Vụ án Việt Á: Lý do nhiều lãnh đạo tỉnh Hải Dương được miễn trách nhiệm hình sự

Theo Hoàng An - Minh Đức | 22/08/2023, 10:23
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ngoài ông Phạm Xuân Thăng, cựu Bí thư Tỉnh ủy và các bị can bị đề nghị truy tố, C03 cho rằng một số các cá nhân thuộc Tỉnh ủy và UBND tỉnh Hải Dương có liên quan vụ án, song hành vi của họ chưa đến mức xem xét hoặc không có căn cứ xử lý hình sự.

Vụ án Việt Á: Lý do nhiều lãnh đạo tỉnh Hải Dương được miễn trách nhiệm hình sự - Ảnh 1.

Ông

Mua 220.000 kit test sau chỉ đạo của cựu Bí thư Tỉnh ủy

Trong đại án Việt Á, Cơ quan Cảnh sát điều tra C03 Bộ Công an đề nghị truy tố ông Phạm Mạnh Cường, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hải Dương, về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; ông Phạm Duy Tuyến, cựu giám đốc CDC tỉnh, về tội “Nhận hối lộ”; ông Nguyễn Mạnh Cường, kế toán trưởng CDC và bà Nguyễn Thị Trang, Giám đốc trung tâm tư vấn tài chính Sở Tài chính tỉnh, bị đề nghị tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Riêng ông Phạm Xuân Thăng , cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, đang bị đề nghị đổi tội danh từ “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” sang tội “Nhận hối lộ”. Song, kết luận chưa thể hiện Viện KSND Tối cao đã phê chuẩn.

Theo C03, năm 2020 - 2021, Hải Dương liên tiếp bùng phát các ổ Covid-19. Nhận thấy đây là địa bàn tiềm năng, bị can Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Công ty Việt Á) móc nối với cựu Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng để ông này “chỉ đạo”, tạo điều kiện cho Việt Á được tham gia xét nghiệm cho công nhân tại các khu công nghiệp và cả người lao động ngoài khu công nghiệp.

C03 kết luận, từ chỉ đạo của ông Thăng, phía CDC Hải Dương đã mua hơn 220.000 kit xét nghiệm của Việt Á và đã thanh toán 106 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 73 tỷ đồng.

Giám đốc CDC nhận tiền 'hoa hồng' qua tài khoản của bảo vệ

Trong các đợt thanh toán, nhân viên Việt Á đã chuyển "hoa hồng" cho CDC Hải Dương 27 tỷ đồng, tương đương 20-25% giá trị gói thầu. Số tiền này, nhân viên Việt Á chuyển 22 tỷ đồng đến tài khoản ngân hàng của bạn học ông Phạm Duy Tuyến (hiện là bảo vệ của CDC); chuyển 5 tỷ đồng vào số tài khoản của chủ tiệm vàng Kim Hiển (thông gia nhà ông Tuyến). Nội dung các lần chuyển khoản đều là "thanh toán tiền mua hàng".

Vụ án Việt Á: Lý do nhiều lãnh đạo tỉnh Hải Dương được miễn trách nhiệm hình sự - Ảnh 2.

Phan Quốc Việt (trái), Tổng giám đốc Cty Việt Á cùng một số bị can trong vụ án.

Sau khi nhận được "hoa hồng", ông Tuyến 3 lần đưa cho bí thư Thăng, tổng cộng 600 triệu đồng và 50.000 USD. Ngoài ra, ông Thăng bị kết luận trực tiếp nhận 100.000 USD từ Phan Quốc Việt. Số còn lại ông Tuyến chia cho Giám đốc Sở Y tế và một số cán bộ của CDC.

Ngoài các bị can bị đề nghị truy tố, C03 cho rằng một số các cá nhân thuộc Tỉnh ủy Hải Dương, gồm: Lê Huy Hiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Quang Phúc, Trưởng ban Tuyên giáo; Nguyễn Viết Hải, nguyên Chánh Văn phòng Tỉnh ủy; Hoàng Quốc Thưởng, Bí thư Thành ủy Chí Linh; Nguyễn Tá Duân, Thư ký Bí thư Tỉnh ủy và một số cá nhân khác là lãnh đạo UBND, lãnh đạo các Sở Ban ngành thuộc Tỉnh ủy, UBND Tỉnh và Bí thư, Chủ tịch của các thành phố, thị xã, huyện thuộc Hải Dương, có liên quan vụ án.

“Các cá nhân trên có hành vi tham dự các cuộc họp Ban Thường vụ và Thường trực tỉnh ủy Hải Dương nhưng không có ý kiến về việc đưa Việt Á tham gia xét nghiệm, mở rộng phạm vi xét nghiệm. Việc này do Phạm Xuân Thăng, chủ trì cuộc họp và kết luận, chỉ đạo. Quá trình điều tra, không có thông tin, tài liệu thể hiện các cá nhân này bàn bạc, thống nhất với Phạm Xuân Thăng; không có quan hệ và thông đồng với Phan Quốc Việt và không ai được nhận lợi ích vật chất”, kết luận nêu và cho rằng, không có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự đối với họ.

Tuy nhiên, các Lê Huy Hiệu; Lưu Văn Bản; Nguyễn Quang Phúc và Hoàng Quốc Thưởng đã bị Ban chấp hành Trung ương kỷ luật với hình thức “cảnh cáo” liên quan đến việc chỉ đạo hợp đồng với Công ty Việt Á thực hiện xét nghiệm Covid- 19.

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương có sai phạm

Đối với các cá nhân liên quan thuộc UBND tỉnh Hải Dương, C03 cho rằng, ông Nguyễn Dương Thái, cũng tham gia các cuộc họp của Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương nhưng không phát biểu ý kiến liên quan đến việc cho Việt Á tham gia xét nghiệm, mở rộng phạm vi xét nghiệm....

Thực hiện chỉ đạo của Phạm Xuân Thăng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ông Thái đã chỉ đạo Văn phòng UBND tỉnh ban hành văn bản thông báo chỉ đạo của UBND tỉnh “Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị có liên quan ký hợp đồng với Công ty Việt Á trong việc thực hiện các mẫu xét nghiệm Covid-19... ”. Trong đó, giao CDC phối hợp với Công ty Việt Á mở rộng phạm vi xét nghiệm; ký hai quyết định về việc tạm cấp kinh phí, 2 quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu phục vụ phòng chống dịch đợt 1, đợt 2. Trên cơ sở đó, CDC Hải Dương mới hoàn thiện hồ sơ đấu thầu, thanh toán cho Công ty Việt Á hơn 129 tỷ đồng trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại tài sản Nhà nước.

Kết luận điều tra còn thể hiện, ông Thái không bàn bạc, thống nhất với Phạm Xuân Thăng; không biết về hành vi thông đồng, bảo vệ đơn giá test xét nghiệm của cấp dưới; không thỏa thuận, thông đồng với Phan Quốc Việt và Phạm Duy Tuyến để làm lợi cho Công ty Việt Á.... Do đó, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương được được miễn trách nhiệm hình sự, song đã bị kỷ luật cách hết chức vụ trong Đảng về vị phạm, khuyết điểm trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Các ông Lương Văn Cầu, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương; Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh khi tham gia cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương, có ý kiến phát biểu “đề nghị phối hợp với Công ty Việt Á trong việc tổ chức thực hiện xét nghiệm để nâng công suất xét nghiệm của tỉnh và đảm bảo độ tin cậy”. Sai phạm của họ chưa đến mức khởi tố nhưng ông Lương Văn Cầu bị kỷ luật khiển trách theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Tại Sở Tài chính tỉnh Hải Dương, C03 cáo buộc ông Nguyễn Trọng Hưng, Giám đốc Sở; ông Dương Văn Xuyên và Nguyễn Đồng Kim, đều là Phó Giám đốc Sở; Nguyễn Văn Tuân, Trưởng phòng Quản lý giá và Cộng sản và bà Bùi Thị Ánh, Trưởng phòng Tài chính, hành chính sự nghiệp, có tham mưu, ban hành các văn bản của Sở Tài chính, đề nghị UBND Tỉnh tạm cấp dự toán kinh phí bổ sung cho CDC Hải Dương…

Trên cơ sở đó, CDC Hải Dương hợp thức hồ sơ đấu thầu, ký 4 hợp đồng, thanh toán tiền cho Công ty Việt Á trái quy định. Trong đó, đã thanh toán 226.176 test xét nghiệm do Công ty Việt Á sản xuất, trị giá hơn 106 tỷ đồng, gây thiệt hại ngân sách Nhà nước.

Tại Sở Y tế tỉnh Hải Dương, ông Đinh Huy Hưng, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính bị xác định ký nháy trình bị can Phạm Mạnh Cường, cựu Giám đốc Sở Y tế ký 3 báo cáo thẩm định để UBND tỉnh ban hành 3 quyết định phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu 3 gói thầu mua sắm test xét nghiệm, vật tư, sinh phẩm y tế phục vụ phòng, chống dịch.

Còn bà Nguyễn Thị Thùy Dương, Phó Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, ký nháy trình Phạm Mạnh Cường, ký Báo cáo số 785/SYT-KHTC ngày 18/03/2021 trong đó đề nghị “UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính hướng dẫn việc mua sắm và thực hiện các thủ tục thanh, quyết toán cho đơn vị”. Bà Dương còn ký nháy 3 văn bản trình cựu Giám đốc Sở Y tế ký đề nghị Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh xem xét ra quyết định cấp bổ sung nguồn kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch.

Trên cơ sở đó, CDC Hải Dương hợp thức hồ sơ đấu thầu, ký 4 hợp đồng, thanh toán cho Công ty Việt Á trái quy định.

Sai phạm này khiến ông Hưng, bà Dung bị kiến nghị xem xét xử lý nghiêm về Đảng, chính quyền.

Bài liên quan
Vụ tai nạn lao động 7 người tử vong: Xem xét trách nhiệm hình sự nếu có
Liên quan đến vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng khiến 7 người chết, 3 người bị thương, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái yêu xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật, xem xét trách nhiệm hình sự (nếu có)

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ án Việt Á: Lý do nhiều lãnh đạo tỉnh Hải Dương được miễn trách nhiệm hình sự