Quan sát bằng mắt thường cho thấy đoạn đường 2km nêu trên chỉ có camera giao thông được lắp đặt tại các nút giao lớn ở ngã tư Thủ Đức và ngã tư Bình Thái.
Phòng CSGT TP HCM cung cấp hình ảnh anh N. vi phạm tốc độ
Cũng trong phạm vi này có nhiều trạm xe buýt có lắp đặt camera nhưng không có trạm nằm gần khu vực trụ điện T72L. Trong khi đó, khu vực nhà dân nằm cách khá xa (phía bên trong đường Song Hành của đường Võ Nguyên Giáp).
Khảo sát ứng dụng Thông tin giao thông TP HCM (TTGT TP HCM) do Sở Giao thông vận tải TP HCM quản lý, Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị vận hành cũng thể hiện không có camera giao thông khu vực trụ điện T72L.
Chỉ có tổng cộng 6 camera giao thông được lắp đặt tại nút giao ngã tư Thủ Đức và ngã tư Bình Thái.
Như vậy, đối với dữ liệu camera an ninh, camera giao thông khu vực này rất khó có khả năng tìm được dữ liệu hình ảnh ghi lại được quá trình anh N. "vượt chốt".
Trong khi đó, Phòng CSGT TP cho biết sau khi trích xuất dữ liệu từ các ô tô, dữ liệu từ camera nghiệp vụ của CSGT cũng không chứng minh được có xảy ra va chạm hay không; lời khai của những người làm chứng cũng thể hiện tương tự.
Từ đó, Phòng CSGT TP đưa ra kết luận không có cơ sở kết luận nội dung tố cáo của anh N.
Người tố cáo đang chờ giấy báo kết quả xác minh
Anh Đ.N.N cho biết được CSGT mời làm việc 4 lần. Lần gần đây nhất là 12-10. Làm việc với Phòng CSGT TP, anh N. thừa nhận có vi phạm tốc độ nhưng không chấp nhận việc bị "tác động gậy chỉ huy vào mặt" làm vỡ mắt kính, tổn thương mắt.
Ngày 12-10, anh được thông báo kết quả xác minh vụ việc nhưng anh N. ký vào biên bản thể hiện ý kiến không đồng ý kết quả xác minh. Theo anh N., anh đang chờ nhận giấy báo kết quả xác minh vụ việc để làm cơ sở cho việc có tiếp tục khiếu nại hay không. Anh N. nói mới chỉ nghe đọc kết quả xác minh từ Phòng CSGT TP.
Trước đó, ngày 6-9, Công an phường Bình Thọ (TP Thủ Đức) mời anh N. lên làm việc. Tuy nhiên, anh N. cũng không đồng ý với quá trình làm việc với đơn vị này nên từ chối làm việc ở lần được mời tiếp theo.