Vụ khởi tố cho vay lãi nặng: Khách cầm cố, công ty cho thuê lại

30/05/2023, 20:07
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Hợp đồng thể hiện khách hàng cầm cố điện thoại, công ty cho khách thuê lại tài sản và phải đóng phí, nhưng thực tế không có bất cứ hoạt động cầm cố tài sản nào.

Vụ khởi tố cho vay lãi nặng: Khách cầm cố, công ty cho thuê lại - Ảnh 1.

Nguyễn Thị Tuyết Sương, giám đốc Công ty Digital Credit, tại cơ quan công an - Ảnh: Công an cung cấp

Liên quan vụ "Khởi tố 9 người ở 3 công ty núp bóng cầm đồ cho vay nặng lãi", đến nay (30-5), Công an quận 10 (TP.HCM) vẫn đang phối hợp cùng các đơn vị liên quan Công an TP.HCM tiếp tục củng cố chứng cứ, mở rộng điều tra, xử lý nghiêm theo quy định.

Theo Công an TP.HCM, trước đó ngày 28-5, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận 10 đã khởi tố 9 bị can là các giám đốc, trưởng phòng, trưởng bộ phận, trưởng nhóm tại Công ty TNHH MTV TMDV Digital Credit, Công ty TNHH Fincap VN và Công ty TNHH Sofi Solutions về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Vay dễ nhưng khó trả... vì lãi "cắt cổ"

Các bị can gồm: Nguyễn Thị Tuyết Sương (55 tuổi, ngụ quận 10, giám đốc Công ty Digital Credit), Trương Tuấn Tài (32 tuổi, ngụ quận 6, giám đốc Công ty Fincap VN), Đinh Thị Hồng Loan (43 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, trưởng phòng hành chính, nhân sự Công ty Sofi Solutions) cùng 6 bị can cũng là trưởng bộ phận của các công ty.

Vụ khởi tố cho vay lãi nặng: Khách cầm cố, công ty cho thuê lại - Ảnh 2.

Công an khám xét nhà Trần Dũng, trưởng phòng vận hành Công ty TNHH Sofi Solutions - Ảnh: Công an cung cấp

Quá trình điều tra xác định, Công ty Digital Credit và Công ty Fincap VN đăng ký ngành nghề kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Công ty Sofi Solutions đăng ký ngành nghề kinh doanh dịch vụ tư vấn quản lý, tư vấn tài chính nhưng thực tế các ngành nghề kinh doanh chỉ là "vỏ bọc" cho công ty này cho vay lãi nặng thông qua trang web tamo.vn và findo.vn.

Đây là các trang web cho vay tiêu dùng trực tuyến trái pháp luật, đã được cài đặt lập trình sẵn, đặt máy chủ chứa dữ liệu tại nước ngoài và vận hành từ nước ngoài. Các công ty Sofi Solutions, Digital Credit, Fincap triển khai hoạt động cho vay tại Việt Nam.

Khi có nhu cầu vay vốn, khách hàng chỉ cần đăng nhập vào trang web hoặc ứng dụng trên điện thoại, điền đầy đủ thông tin cá nhân và nhu cầu vay sẽ được hệ thống tự động giải quyết cho vay mà không cần tiếp xúc trực tiếp với bất cứ nhân viên nào của bên cho vay.

Khách hàng được nhận tiền vay qua chuyển khoản và nhận được ba hợp đồng điện tử gồm: hợp đồng cho vay cầm đồ, hợp đồng cầm cố tài sản và hợp đồng dịch vụ tư vấn.

Các bên không cần ký kết trên hợp đồng. Thực tế của việc gửi hợp đồng là nhằm hợp thức hóa, chia nhỏ lãi suất thành các loại phí, che giấu bản chất cho vay lãi nặng.

Hợp đồng thể hiện khách hàng cầm cố điện thoại, công ty cho khách hàng thuê lại tài sản cầm cố và phải đóng phí nhưng thực tế không có bất cứ hoạt động cầm cố tài sản nào.

Số tiền mỗi lần cho vay thấp nhất là 500.000 đồng, cao nhất là 20 triệu đồng, trong đó khách vay lần đầu chỉ được vay tối đa 2 triệu đồng.

Thời hạn tối đa 7 ngày phải trả dứt điểm lần trước mới được vay lần sau hoặc đến khi hạn khách hàng không thanh toán được có thể gia hạn nợ thêm 5 ngày, 10 ngày, 15 ngày… tối đa không quá 30 ngày nhưng phải trả phí gia hạn.

Đăng ký địa chỉ chỗ này nhưng hoạt động chỗ khác

Từ tháng 4-2019 đến tháng 4-2023, qua hai trang web trên, ba công ty đã giải ngân cho vay hơn 2 triệu lượt vay, tổng cộng hơn 6.072 tỉ đồng; thu lợi bất chính hơn 4.123 tỉ đồng, với lãi suất thấp nhất là 153%; cao nhất là 1.289%, gấp từ 7 lần đến 64 lần mức lãi suất cao nhất quy định tại Bộ luật Dân sự.

Vụ khởi tố cho vay lãi nặng: Khách cầm cố, công ty cho thuê lại - Ảnh 3.

Trương Tuấn Tài, giám đốc Công ty Fincap VN, tại cơ quan công an - Ảnh: Công an cung cấp

Cả ba công ty đăng ký kinh doanh tại quận 3, quận 10 nhưng không hoạt động tại địa chỉ đăng ký, đây chỉ là các địa chỉ đặt biển hiệu công ty. Thực tế ba công ty cùng hoạt động chung tại tòa nhà Viễn Đông trên đường Phan Tôn, phường Đa Kao, quận 1, nhằm trốn tránh sự kiểm tra, phát hiện của công an.

Các công ty chia làm nhiều bộ phận, có phân công cụ thể vai trò của từng giám đốc, trưởng phòng, trưởng bộ phận, trưởng nhóm và nhân viên để tuyển dụng, đào tạo nhân sự, quảng cáo, tìm kiếm người vay, tư vấn, nhắc nợ, thu nợ quá hạn, hợp thức hóa nguồn tiền thu lợi bất chính…

Nhân viên của ba công ty trên 120 người đều thực hiện trên không gian mạng, được công ty cấp cho mỗi nhân viên một máy tính đã cài đặt sẵn các phần mềm, ứng dụng, có nhiều tầng nấc bảo mật.

Toàn bộ dữ liệu khách hàng và hoạt động tài chính, kế toán… đều được lưu trữ trên điện toán đám mây để khi nhân viên nghỉ việc không trả lại máy hoặc khi bị công an kiểm tra, xử lý sẽ cho reset lại máy từ xa, xóa toàn bộ dữ liệu.

Ngay khi công an các tỉnh, thành phố tập trung kiểm tra, xử lý mạnh hoạt động "tín dụng đen" núp bóng công ty luật, công ty tài chính, cưỡng đoạt tài sản vào đầu năm 2023, cả ba công ty đã cho nhân viên mang máy tính về hoạt động tại nhà, không hoạt động tập trung tại trụ sở nhằm đối phó, xóa dữ liệu khi có nhân viên bị triệu tập làm việc.

Vụ khởi tố cho vay lãi nặng: Khách cầm cố, công ty cho thuê lại - Ảnh 4.

Các bị can tại cơ quan công an - Ảnh: Công an cung cấp

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ khởi tố cho vay lãi nặng: Khách cầm cố, công ty cho thuê lại