Vượt ngổn ngang khó khăn bước vào giảng đường

02/09/2023, 07:15
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, vất vả, nhiều học sinh dân tộc thiểu số ở Nghệ An vẫn kiên trì, nỗ lực từng bước thực hiện ước mơ.

Đặt chân vào giảng đường đại học, phía trước còn ngổn ngang nhiều lo lắng, nhưng không từ bỏ, các em đã lựa chọn chăm chỉ, cố gắng, tự lập để bước tiếp.

Niềm tự hào của bản Khe Tang

“Ngày có điểm thi tốt nghiệp THPT, em đang tranh thủ đi làm trên rẫy, không có sóng điện thoại. Cô giáo và các bạn gọi mãi không được, đến khi về tới nhà, em cùng lúc nhận được tin vui đạt điểm cao nhất trường và có điểm xét tuyển đại học như kỳ vọng”, Moong Thị Nhàn nhớ lại.

Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Moong Thị Nhàn (cựu học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Nghệ An) được 55,05 điểm khối Khoa học xã hội, xếp thứ 11 toàn tỉnh. Trong đó, tổ hợp môn khối C, Nhàn đạt 27,75 điểm, còn khối D đạt 26,3 điểm. “Em ước mơ trở thành giáo viên dạy tiếng Anh nên đã đăng ký vào ngành này của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội”, nữ sinh chia sẻ.

Những ngày này, Moong Thị Nhàn vẫn ở nhà tại bản Khe Tang, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn, tranh thủ đi rẫy giúp bố mẹ trước khi ra Hà Nội. Ngôi nhà của em ghép bằng gỗ đã cũ kỹ, nắng chiếu xuyên qua các kẽ hở, vài vật dụng đơn sơ, giống như ngôi nhà của bà con Khơ Mú khác ở Khe Tang này. Đến nay, gia đình em vẫn chưa thể thoát nghèo, dù bố mẹ đã cố gắng chăm chỉ với vạt rẫy trên rừng, nhưng cũng chỉ đủ để nuôi 3 đứa con ăn học.

Lớn lên từ bản làng, Moong Thị Nhàn lần lượt chứng kiến nhiều bạn bè cùng trang lứa bỏ học sớm, đi làm thuê hoặc ở nhà làm rẫy, lấy vợ, lấy chồng. Cũng không ít người bị cuốn vào vòng xoáy của ma túy vì cái lợi trước mắt quá lớn. Khe Tang nhiều năm nay trở thành điểm nóng về ma túy của huyện biên giới Kỳ Sơn.

Chính vì vậy, cái tin Moong Thị Nhàn đạt thi điểm cao nhất Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, đậu đại học, được UBND tỉnh Nghệ An tuyên dương như một kỳ tích, là điểm sáng tự hào trong cộng đồng bà con người Khơ Mú nơi đây.

“Nếu không phải là học sinh trường dân tộc nội trú, có chính sách trợ cấp và được nhà trường, thầy cô chăm lo, có lẽ em không theo hết 12 năm học. Cũng vì sự quan tâm, đặt niềm tin của thầy cô, em đã cố gắng, quyết tâm hết sức mình…”, nữ sinh người Khơ Mú tâm sự.

Moong Thị Nhàn kể, từ năm lớp 10, đậu vào Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Nghệ An, em rời bản xuống trường đi học. Nhà khó khăn nên bố mẹ chưa một lần xuống TP Vinh thăm con. Dịp Tết và nghỉ hè, Nhàn bắt xe vượt hơn 200km về nhà phụ giúp bố mẹ làm nương rẫy.

Còn hầu hết thời gian trong năm học, em đều ở trường, một mặt để tập trung học tập, mặt khác đỡ tốn chi phí đi lại. Dù khó khăn, nhưng chưa khi nào Nhàn muốn bỏ học. Chỉ riêng giấc mơ đại học đối với em còn ngổn ngang lo lắng.

“Biết được lo ngại của trò, thầy cô thường xuyên động viên và định hướng để em theo đuổi ước mơ sư phạm. Khi vào đại học, em phải tự lập hoàn toàn. Nhưng học phí ngành Sư phạm đang được Nhà nước hỗ trợ, nếu ở ký túc xá của trường cũng đỡ chi phí. Em dự định sẽ dạy gia sư, hoặc làm thêm để trang trải cuộc sống, đỡ gánh nặng cho bố mẹ”, Moong Thị Nhàn chia sẻ.

Vượt ngổn ngang khó khăn bước vào giảng đường ảnh 1

Em Moong Thị Nhàn và bố mẹ chia sẻ niềm vui khi đạt điểm cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Kiên trì, không từ bỏ

Trong số 3 thí sinh cùng đạt thủ khoa khối C tỉnh Nghệ An năm nay, người gây bất ngờ nhất là em Vi Văn Tuấn (dân tộc Thái) - cựu học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học phổ thông (DTNT THPT) số 2 Nghệ An.

“So với các bạn trong tỉnh, em không phải là học sinh xuất sắc nhất. Muốn vào được đại học, chỉ có con đường duy nhất là không ngừng cố gắng, kiên trì, chăm chỉ. Khi giành được 28,75 điểm khối C, em vô cùng vui mừng vì đạt được mục tiêu và có thể chạm vào ước mơ trúng tuyển Học viện Cảnh sát nhân dân”, Vi Văn Tuấn nói.

Tuấn là con trai đầu trong gia đình 3 anh em ở bản Tằm, xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu, Nghệ An. Bố đi làm thuê quanh năm, mẹ ở nhà làm ruộng. Từ nhỏ, Tuấn đã hình thành suy nghĩ phải học giỏi để bớt gánh nặng cho bố mẹ. Vì vậy, em phấn đấu để đậu vào Trường Phổ thông DTNT THCS Quỳ Châu rồi tiếp đó là Trường THPT DTNT tỉnh để bố mẹ không phải lo tiền học phí, sinh hoạt.

Cô Nguyễn Thị Vân Hạnh - Chủ nhiệm lớp 12 C1 cho biết: “Tuấn là một trong những tấm gương điển hình của học sinh vùng cao nỗ lực, kiên trì theo đuổi việc học. Từ khi vào lớp 10, tôi đã ấn tượng với cậu học trò rất chăm chỉ, cầu thị, ý thức tự giác, tự học rất cao. Em chia sẻ ước mơ vào Học viện Cảnh sát nhân dân, nhưng các năm gần đây điểm chuẩn vào trường đều rất cao. Vì thế, em xác định rõ mục tiêu và mỗi ngày đều phấn đấu, tạo động lực cho mình”.

Vượt ngổn ngang khó khăn bước vào giảng đường ảnh 2

Em Vi Văn Tuấn (ảnh trái) thủ khoa khối C tỉnh Nghệ An năm 2023. Ảnh: NVCC

Mỗi lần kiểm tra, thi thử, với những lỗi mà thầy cô chỉ ra, hay bổ sung cách làm bài, em đều ghi chép cẩn thận để không mắc lại. Sau một năm học, các thầy cô trường nội trú lại thấy Vi Văn Tuấn trưởng thành hơn, và “lấy nguồn” bồi dưỡng cho các kỳ thi chọn học sinh giỏi cũng như phấn đấu đạt điểm thi tốt nghiệp THPT cao để UBND tỉnh tuyên dương.

“Khi nhận được kết quả của Vi Văn Tuấn, là giáo viên, tôi không bất ngờ mà thấy vui mừng và tự hào khi từ mái trường, đã chắp cánh cho em thực hiện được ước mơ vào đại học của mình”, cô Vân Hạnh chia sẻ.

Trong 3 năm THPT, ngoài học tập, Tuấn còn năng nổ trong các phong trào của lớp, trường và được lựa chọn tham gia học lớp bồi dưỡng cảm tình Đảng. Tuấn cũng tâm sự thêm, dù bố mẹ khó khăn nhưng chưa bao giờ muốn em nghỉ học, mà luôn động viên để em phấn đấu vì tương lai. Vì vậy, em sẽ không từ bỏ mà cố gắng để sau này trở thành chiến sĩ cảnh sát bảo vệ bản làng, quê hương, đất nước và cũng để gia đình, nhà trường tự hào về mình.

Với cô Trương Thị Thanh Thủy – Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 Nghệ An, mùa thi năm 2023 là mùa vui của trường khi gặt hái nhiều thành công. Điểm trung bình thi tốt nghiệp xếp thứ 2 toàn tỉnh (chỉ sau Trường THPT chuyên Phan Bội Châu – PV).

Đặc biệt, trong số 52 học sinh điểm cao thi tốt nghiệp THPT được UBND tỉnh tuyên dương, trường có 12 em. Theo cô Thủy, kết quả này không chỉ là con số hay thành tích của một năm học, mà là niềm tự hào, xúc động của tập thể nhà trường khi có khóa học sinh trưởng thành, tiếp tục con đường học tập cao hơn.

“Chúng tôi xác định, ngoài dạy học, nhà trường còn là ngôi nhà, gia đình lớn giáo dục nhân cách, hình thành kỹ năng và định hướng tương lai cho học sinh. Không để em nào vì khó khăn mà không thể tiếp tục theo đuổi việc học. Bên cạnh đó, sau khi các em tốt nghiệp, nhà trường cũng kết nối với các tổ chức, nhà hảo tâm, hội cựu học sinh để hỗ trợ, tiếp sức cho những bạn khó khăn trong thời gian học đại học”, cô Thanh Thủy nói.

Bài liên quan
6 tháng cuối năm, 3 con giáp vượt khó vươn lên, giàu chạm nóc
(GDTĐ) - Trong 6 tháng cuối năm 2024, 3 con giáp vượt mọi chông gai, vươn lên làm giàu, với rất nhiều may mắn sẽ giúp họ thành công rực rỡ.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vượt ngổn ngang khó khăn bước vào giảng đường