Nước mắt ngày vui thống nhất

30/04/2024, 10:29
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ngày đất nước thống nhất, ông Tư Cang mới có được niềm vui cho bản thân, được gặp lại vợ con sau 28 năm ròng, khi đó ông đã có cháu ngoại 3 tuổi.

Đêm chia tay trước ngày lên chiến khu của đôi vợ chồng trẻ tĩnh mịch, không trăng. Ông dặn dò vợ sắp xếp để về với ba má dưới Phước Hải, rồi tìm cách lên Sài Gòn làm ăn kiếm sống, sinh đẻ rồi nuôi con, đợi ngày ông trở về.

Vợ, con gái và cháu ngoại lên thăm ông Tư Cang tại doanh trại Trung đoàn 316 trấn giữ biên giới Bình Long năm 1976. (Ảnh: TL)
Vợ, con gái và cháu ngoại lên thăm ông Tư Cang tại doanh trại Trung đoàn 316 trấn giữ biên giới Bình Long năm 1976. (Ảnh: TL)

Ngày 4/3/1947, con gái ông chào đời. Bà Ảnh gửi thư vào chiến khu cho biết, ba má đặt tên con là Nhồng - một loài chim biết nói tiếng người. Năm 1954, quân ta thắng trận Điện Biên Phủ. Pháp thua, chấp nhận rút về nước. Theo Hiệp định Genève, quân đội ta tập kết ra miền Bắc. Ngày chuẩn bị xuống tàu rời miền Nam, có người quen đưa cho ông Tư Cang một phong thư, một chiếc áo len và tấm ảnh bé Nhồng lên 7 tuổi, trông rất dễ thương. Trong thư, vợ ông viết: “Gia đình mình bị giặc kiểm soát gắt lắm, em không tiễn anh đi được. Thôi thì đời vợ chồng mình như những năm qua. Nghe nói ngoài Bắc lạnh lắm, em đan chiếc áo này gửi anh”.

Những năm học tập xây dựng quân đội trên miền Bắc, ông Tư Cang luôn giữ kỹ trong ba lô 3 món quà quý giá ấy: Mấy dòng chữ trong thư được đọc tới đọc lui đến thuộc lòng; tấm ảnh con gái thỉnh thoảng được lấy ra khoe với đồng đội; còn cái áo len thì khi ngủ được ấp lên ngực để tìm lại hơi ấm năm xưa.

Sau 7 năm rèn luyện, tháng 5/1961, ông được thăng quân hàm Đại úy và được chọn trở về Nam trong đoàn giải phóng quân. Đánh Mỹ 14 năm tại địa bàn Củ Chi, Sài Gòn với nhiệm vụ tình báo, đặc công, nguy hiểm, ác liệt không sao kể xiết. Nhiều lúc cái chết cận kề.

Khoảng thời gian công tác ở Sài Gòn, ông trải qua nhiều vị trí, trong đó nổi bật nhất là Cụm trưởng Cụm Tình báo H.63, hoạt động cùng với nhà tình báo huyền thoại Phạm Xuân Ẩn (Hai Trung). Cụm H.63 đã được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1971.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, ông Tư Cang được giao nhiệm vụ Chính ủy Lữ đoàn 316, thành lập tháng 3/1974. Nhiệm vụ chính của đơn vị này là dẫn đường cho các đặc quân tiến vào các mục tiêu quan trọng như sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu, Dinh Độc Lập...

Trong hoạt động tình báo, họ phải chấp nhận hy sinh tình cảm gia đình. Việc gặp gỡ người thân trong giai đoạn này hết sức trắc trở, khó khăn.

Ông Tư Cang sum họp cùng vợ, con gái, cháu ngoại sau ngày 30/4/1975. (Ảnh: TL)
Ông Tư Cang sum họp cùng vợ, con gái, cháu ngoại sau ngày 30/4/1975. (Ảnh: TL)

Sống và viết

Sau chiến thắng 30/4/1975, Lữ đoàn 316 giảm quân số thành Trung đoàn 316, đóng quân ở biên giới Bình Long.

Đại tá Nguyễn Văn Tàu tiếp tục làm Chính ủy Trung đoàn, đến cuối năm 1980 ông nghỉ hưu. Vì tuổi cao sức yếu, vợ ông đã qua đời cách đây 4 năm (năm 2020).

Trong căn nhà nhỏ ở hẻm Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, TPHCM buổi chiều tháng 4, Đại tá Nguyễn Văn Tàu lần giở những cuốn hồi ký chiến trường ông viết, nhớ về những ngày chiến đấu ác liệt cách đây hơn 50 năm. Ký ức ở từng trận đánh như ùa về, hiện ra trước mắt nhà tình báo 96 tuổi. Ông rưng rức nước mắt khi kể về sự hy sinh của những người đồng đội. Có những người mãi mãi ra đi ở tuổi đôi mươi.

Trong trận đánh ở cầu Rạch Chiếc những ngày cuối tháng 4/1975 lịch sử, 52 đồng đội của ông Tư Cang hy sinh. Nhiều người chọn cái chết một cách cao cả để bảo vệ đồng đội, bảo vệ đơn vị.

Hòa bình, ông quay lại những căn cứ cũ. Hình dáng những đồng đội cũ, có cả những người đã hy sinh thôi thúc ông phải viết - viết về đồng đội, về những ước mơ họ đã cùng nhau nuôi dưỡng, xây đắp trong sinh tử, những ước mơ về ngày thống nhất, ngày hòa bình, ngày độc lập. Ông đã có hàng loạt tác phẩm: “Nước mắt ngày gặp mặt” (1989); “Trái tim người lính” (1991); “Hoàng hôn trên chiến trường” (1994); “Tình báo kể chuyện” (2012); “Sài Gòn Mậu Thân 1968” (2021).

Đặc biệt, cuốn hồi ký “Nước mắt ngày gặp mặt” (Nhà xuất bản Văn nghệ TPHCM) được tái bản lần 7, ghi lại những gì xảy ra trong quá trình diễn biến của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đưa đến giải phóng Sài Gòn, giải phóng toàn bộ miền Nam, thống nhất đất nước.

Trở lại câu chuyện đêm 30/4/1975, ông Tư Cang được gặp lại vợ con sau 30 năm xa cách. Trong giây phút gặp mặt mừng mừng, tủi tủi đó, ông nhận ra, đằng sau niềm vui khôn xiết của người vợ là những giọt lệ ngắn dài. Ông an ủi vợ: “Sao em lại khóc? Em phải vui lên chứ”, rồi đọc hai câu thơ trong bài “Tự khuyên mình” của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ví không có cảnh đông tàn; Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân”. Ông mừng thầm, những ngày mùa Đông băng giá đã qua rồi, nay là mùa Xuân của hòa bình, mùa Xuân của dân tộc.

Ông chỉ có một tiếng thăm nhà, trước khi trở lại đơn vị với bộn bề công việc. Mâm cơm sum vầy được con gái ông dọn khi đứa cháu ngoại đã ngủ thiếp từ bao giờ. Đồng hồ điểm 12h khuya, nhưng với ông, giây phút đó là bình minh của ngày xuân. Ngắm đứa bé thơ ngây, ông tự nhủ: Cháu sẽ lớn lên mà không còn nghe tiếng bom đạn, chứng kiến khói lửa chiến tranh nữa.

Đề tựa cuốn sách “Nước mắt ngày gặp mặt” (1989) của ông Tư Cang, Thượng tướng Trần Văn Trà có đoạn viết: “Ở đây ta gặp hình ảnh cao thượng của người phụ nữ Việt Nam. Những bà mẹ, những người vợ tiễn con, tiễn chồng ra đi biền biệt mấy mươi năm trong cơn lốc của cuộc chiến tranh ác liệt. Ngày toàn thắng 30/4, nước mắt tuôn trào, kẻ mất người còn, buồn vui lẫn lộn, cười, khóc chen nhau. Riêng tác giả và gia đình là một trường hợp may mắn. Ra đi từ lúc là một chàng trai mới cưới vợ, sau gần 30 năm, chiến tranh kết thúc, trở về đã thành ông ngoại, tóc hai người đã điểm sương”.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nuoc-mat-ngay-vui-thong-nhat-post681268.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nuoc-mat-ngay-vui-thong-nhat-post681268.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nước mắt ngày vui thống nhất