TS Nguyễn Văn Hòa trong một hoạt động giáo dục ngoại khóa. Ảnh: NTCC |
Chủ trương đổi mới giáo dục của các trường sư phạm được đánh giá thông qua việc đưa đoàn sinh viên đến thực tập ở cơ sở giáo dục. Làm sao để giáo sinh đến trường phổ thông hồ hởi, đam mê, muốn hòa nhập vào quá trình giáo dục và dạy học ở trường mầm non, phổ thông để chuẩn bị cho nghề nghiệp, đến khi ra trường có công ăn việc làm và trở thành nhà giáo thực thụ, chân chính.
Sinh viên sư phạm cần hiểu về nghề nhà giáo thời nay; cảm nhận vinh dự khi được học sinh gọi bằng thầy, cô giáo. Các em cần quan sát, tìm hiểu thực tế, “thấu hiểu” những gì đang diễn ra ở trường phổ thông và sẵn sàng cho tương lai của mình.
Cần nhấn mạnh rằng, các em xuống trường phổ thông không phải chỉ để lấy điểm thực hành dạy học mà là học cách trở thành thầy, cô giáo trong bối cảnh xã hội biến đổi, tâm lý học sinh thay đổi, phức tạp, đầy thách thức. Quan sát xem ở trường phổ thông làm gì, làm thế nào để giải quyết các vấn đề nổi cộm hằng ngày. Ở đó, nhà trường, giáo viên giáo dục và dạy học sinh như thế nào? Từ đó xác định trách nhiệm và lòng yêu nghề, để không phạm lỗi đáng tiếc, không giảm sút lòng yêu nghề.
Chính vì vậy, tôi mong các trường sư phạm nói chung cần quan tâm đến thực chất của việc thực tập sư phạm, làm hết sức mình để các em được học nhiều, học sâu sắc các bài học từ thực tế. Làm sao để các em không coi nhẹ, trái lại còn chú tâm, hào hứng, tranh thủ thời cơ hơn bao giờ hết.
Ngày xưa, khi chúng tôi đi thực tập sư phạm, trường đại học cho sinh viên những giờ dạy thử để học cách làm trước khi “gióng trống mở cờ” đến trường phổ thông. Ngày ấy, thầy chủ nhiệm khoa đến trường thực tập để thăm hỏi sinh viên và dự giờ thực tập. Hơn bao giờ hết, tôi mong có mạng lưới các trường thực tập sư phạm để học hỏi kinh nghiệm, giao lưu lẫn nhau; đồng thời có thêm niềm vui, sự cổ vũ và trách nhiệm làm tốt hướng dẫn thực tập cho sinh viên.
Phía các trường đại học sư phạm cần có chuyên đề đổi mới phương pháp dạy học, hiện đại, thiết thực để giáo viên trường phổ thông được giao lưu học hỏi. Còn các trường phổ thông cần coi nhiệm vụ thực tập sư phạm là trách nhiệm với nền giáo dục, tương lai, hỗ trợ các đoàn thực tập sư phạm tối đa có thể. Sẵn sàng đón nhận đoàn thực tập đến trường, tối đa sĩ số có thể với quy mô hiện tại của trường phổ thông.
Nếu hình thành mạng lưới các trường thực hành thì trường phổ thông sẽ tham gia đầy đủ, tích cực, trách nhiệm như việc của chính mình. Ngoài ra, các trường phổ thông cần chủ động đề xuất với trung tâm nghiệp vụ sư phạm của trường đại học những nhận xét thực chất về công tác tổ chức và kết quả thực tập sư phạm, vấn đề cần bổ sung, chỉnh sửa để nâng cao hiệu quả thực tập sư phạm. Các cơ sở giáo dục cũng cần đề xuất chuyên đề và sẵn sàng tham gia chuyên đề về đổi mới phương pháp giáo dục, phương pháp dạy học về tổ chức thực tập do trường đại học sư phạm tổ chức.
Bà Tăng Thị Ngọc Mai. Ảnh: NVCC |
Để thu hút nhiều học sinh giỏi vào học ngành Sư phạm ngoài các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước, các trường đào tạo giáo viên cần không ngừng đổi mới để nâng cao chất lượng đào tạo. Muốn vậy, cần có chiến lược, chính sách rõ ràng để đầu tư, phát triển đội ngũ giảng viên. Đồng thời, cần đổi mới, phát triển chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018. Ngoài ra, nội dung chương trình phải tiếp cận với giáo dục của các nước tiên tiến, đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục hiện nay.
Bên cạnh đó, một trong những nội dung đổi mới mà các trường cần chú trọng là tăng thời gian, yêu cầu về rèn nghề sư phạm. Theo đó, từ năm thứ hai trở đi, cần tăng cường cho sinh viên kiến tập, thực tập. Song hành với đó là rèn luyện phẩm chất, đạo đức nhà giáo. Các nội dung này cần được thực hiện thường xuyên trong cả 4 năm học và có các đánh giá bằng kết quả sản phẩm.
Từ năm 2022, Bộ GD&ĐT giao chỉ tiêu cho các trường đào tạo giáo viên dựa trên nhu cầu của địa phương. Do đó, nếu địa phương không có nhu cầu tuyển dụng giáo viên trong tương lai thì không có căn cứ để giao chỉ tiêu cho trường đại học, cao đẳng sư phạm đóng chân trên địa bàn.