Xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa giúp huy động trí tuệ tập thể

Minh Phong (ghi) | 13/12/2022, 16:47
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Chủ trương xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa (SGK) đã huy động được đóng góp của toàn xã hội và huy động được trí tuệ của tập thể.

Đó là ý kiến của Nhà giáo ưu tú Ngô Trần Ái - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC).

Các yếu tố làm nên chất lượng

Tại triển lãm SGK của Bộ GD&ĐT cho thấy, giá 12 quyển SGK cấp THPT của Việt Nam là 220.000 đồng, bình quân 18.000 đồng/1 quyển. Trong khi SGK của Singapore, Thái Lan, Indonesia... có chất lượng tương đương có giá 100.000 đồng - 150.000 đồng/1 quyển. Sách của Hàn Quốc, Nhật Bản cao hơn, lên tới gần 300.000 đồng/1 quyển...

Ông Ái cho biết, ngoài VEPIC, còn những đơn vị khác tham gia làm SGK xã hội hóa. Hiện, trên thị trường có 9 bộ sách giáo khoa tiếng Anh, 5 bộ sách Toán và 7 bộ sách Tin học. Tuy nhiên, VEPIC là đơn vị duy nhất tổ chức biên soạn đầy đủ tất cả các môn học của 3 cấp học.

“Chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK đã tạo cơ hội và động lực phong phú. Đặc biệt huy động được đóng góp của toàn xã hội và huy động được trí tuệ của tập thể” – ông Ái khẳng định, đồng thời viện dẫn: Có hơn 1.500 giáo sư, tiến sĩ và các giáo viên có trình độ và nhiều kinh nghiệm làm sách.

Để huy động được lực lượng đó không phải là dễ. Trước đây, rất khó để huy động đội ngũ này. Thay vào đó là đặt hàng với một số thầy, cô giáo, một số giáo sư tin cậy. “Chủ trương xã hội hóa SGK đã tạo nên phong trào thi đua để không ngừng nâng cao chất lượng kết quả khi biên soạn SGK” – ông Ái nhấn mạnh.

Theo ông Ái, tôn chỉ, mục đích hoạt động của VEPIC là thực hiện chủ trương đúng đắn của Đảng, của Nhà nước về biên soạn sách giáo khoa có chất lượng. Góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong các nhà trường. “Hàng chục năm nay, nước ta mới có nhiều sách giáo khoa cho mỗi môn học. Lần đầu tiên chúng tôi vui mừng và tự hào khi có những đóng góp vào công cuộc đổi mới này” – ông Ái bày tỏ.

Xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa giúp huy động trí tuệ tập thể ảnh 1
Một lớp học của Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Nhấn mạnh, sự khác biệt là dấu ấn tích cực tạo nên thương hiệu, Nhà giáo ưu tú Ngô Trần Ái trao đổi: chất lượng dựa trên 6 nhân tố cơ bản.

Thứ nhất, là đội ngũ tác giả chuyên môn cao, có kinh nghiệm, có năng lực biên soạn SGK. Họ là những người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục và phần lớn đã tham gia biên soạn Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thứ hai, là sự lành nghề của đội ngũ biên tập viên, họa sĩ và những người thiết kế làm sách.

Thứ ba, sự đầu tư có trách nhiệm của 3 nhà xuất bản: Nhà xuất bản Đại học Sư phạm tại Hà Nội, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Đại học Huế.

Thứ tư, để tạo nên chất lượng phải sự lựa chọn chủng loại vật tư, giấy in với chất lượng cao nhất, tác động thấp nhất đến môi trường giáo dục và bảo vệ sức khỏe học đường.

Thứ năm, cung ứng đầy đủ, kịp thời, không để chỗ nào “trắng” sách, thiếu sách và luôn tồn kho đầy đủ để phục vụ kịp thời.

Thứ sáu, là kho tài nguyên của VEPIC rất dồi dào, đa dạng về chủng loại sách giấy truyền thống cũng như sách điện tử để phục vụ việc dạy - học ở mọi lúc, mọi nơi. Trong thời gian bị Covid -19, học sinh vẫn có thể học qua những đoạn video, câu chuyện kể ở mọi lúc, mọi nơi.

Xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa giúp huy động trí tuệ tập thể ảnh 2
Nhà giáo ưu tú Ngô Trần Ái.

Vì sao giá SGK mới cao hơn sách cũ

Trao đổi về giá sách giáo khoa mới cao hơn sách cũ, ông Ái nêu 5 nguyên nhân chính: Thứ nhất, sách soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các doanh nghiệp tự bỏ vốn để thực hiện toàn bộ các khâu, từ biên tập, biên soạn, nhuận bút cho đến quảng bá, tập huấn giáo viên; đặc biệt là mua vật tư in ấn. Trong khi trước đây, Nhà nước hỗ trợ rất nhiều.

Thứ hai, giá nguyên vật liệu, công in, nhuận bút, chi phí tiếp thị, bồi dưỡng tăng lên. Nhuận bút của tác giả quy định theo mức lương khởi điểm. Do đó khi lương tăng lên theo quy định nhuận bút của tác giả cũng tăng lên.

Đặc biệt là giá thành vật tư in ấn tăng lên rất nhiều. Do biến động của thế giới khiến cho đồng đô la, xăng dầu và chi phí nhập khẩu giấy tăng lên. Ngay cả giấy sản xuất trong nước cũng đã tăng lên từ 25-30%.

Thứ ba, khổ sách thay đổi, tăng lên 1,3 lần so với sách cũ. Đồng thời, SGK mới được in 4 màu với chất lượng cao, tốt không khác so với sách của các nước tiên tiến.

Xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa giúp huy động trí tuệ tập thể ảnh 3

Học sinh hào hứng với SGK mới.

“Nhiều phụ huynh ý kiến, có thể in sách nhỏ hơn, chỉ sử dụng 1 màu khi in... Tuy nhiên, nếu chỉ sử dụng 1 màu khi in sách thì học sinh lớp 1 khi học đến quốc kỳ của các quốc gia sẽ không thể phân biệt được. Hay học đến các thí nghiệm vật lý, hóa học nếu màu sắc không đầy đủ thì các em cũng khó có thể học được tốt nhất. Vì vậy, hình ảnh cũng là phương pháp học tập mới, hình thức đổi mới phương pháp giáo dục” – ông Ái trao đổi.

Thứ tư, các bộ sách đều có phiên bản điện tử. Để xây dựng phiên bản điện tử này, chi phí rất tốn kém, do các thí nghiệm, câu chuyện không khác gì phim hoạt hình nên chi phí sản xuất rất cao.

Thứ năm, do nhiều đơn vị tham gia xuất bản nên thị trường thu hẹp lại, khiến cho giá thành tăng lên.

“Là doanh nghiệp tham gia biên soạn SGK, chúng tôi sẵn sàng và thực hiện theo quy định của pháp luật” – ông Ái nói và đề nghị, Bộ GD&ĐT, các cơ quan chức năng nghiên cứu kỹ để luận giải đầy đủ, chi tiết khi đưa ra mức giá để người làm sách có thể chấp nhận được và làm được... Nếu không hợp lý thì việc xã hội hóa sẽ khó tiến hành.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa giúp huy động trí tuệ tập thể