Thế nhưng, từ khi dự án khởi công, đặc biệt là các thời điểm nổ mìn thì ngôi nhà rung lắc, nền bê tông nứt nẻ, đến nay thì không ở được nữa, phải đi nơi khác ở tạm. Trong đó, nghiêm trọng nhất là đoạn sụt lún đến 1,5 m từ sân nhà xuống nền bê tông nhà ông Thắng.
Theo báo cáo của UBND huyện Lâm Hà, thời gian mưa kéo dài suốt nhiều ngày qua đã ảnh hưởng đến dự án này. Cụ thể ngày 1-7, cơ quan chức năng phát hiện khu vực sườn sát khu vực thi công gói thầu số 13 xuất hiện nhiều vết nứt rộng 20-30 cm ngang qua đất vườn và 3 hộ dân.
Đến ngày 28-7, khu vực này xuất hiện thêm các vết nứt mới có chiều rộng lên đến 50cm, lan ra đến khu vực đường dân sinh cạnh dự án. Dọc theo các vết nứt có hiện tượng sụt lún, đất nứt nẻ, hư hỏng. Tổng cộng có 9 hộ dân bị ảnh hưởng nhà cửa và đất sản xuất với gần 54.000 m2.
UBND huyện Lâm Hà đã chỉ đạo các bên liên quan đắp trả các hố đào sâu, khoan 15 mũi thăm dò, tạo độ dốc thoát nước về phía hạ lưu, tăng cường ổn định chân mái các khu vực đào đất, taluy, chống thấm khu vực các vết nứt.
Tuy nhiên, tình hình sạt lở ngày càng diễn biến phức tạp nên các giải pháp tạm thời nêu trên không ngăn chặn được các vết nứt càng lớn. Do vậy, UBND huyện Lâm Hà kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành hỗ trợ và hướng dẫn huyện tổ chức khảo sát hiện trường, xử lý sự cố.
Trao đổi nhanh tại hồ Đông Thanh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định nguyên nhân chính của vụ sụt lún tại đây không phải do mưa mà địa chất khu vực này có một cung sạt trượt, khi dự án thi công cộng với nhiều nguyên nhân tác động khiến cung sạt trượt này diễn ra nhanh hơn, gây thiệt hại về công trình và tài sản của người dân.