Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long kéo dài đến bao giờ?

07/04/2024, 11:50
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Từ nay đến hết mùa hạn mặn năm 2024, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khả năng xuất hiện từ 3 đợt xâm nhập mặn tăng cao.

Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long kéo dài sẽ khiến nước ngọt bị khan hiếm

Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long kéo dài sẽ khiến nước ngọt bị khan hiếm

Ông Hoàng Văn Đại, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày 6-4 cho biết từ đầu năm 2024 đến nay, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ở mức cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) và năm 2023.

Trong tháng 2 và tháng 3-2024, tại khu vực ĐBSCL đã diễn ra 3 đợt xâm nhập mặn tăng cao gây ảnh hưởng đến dân sinh và sản xuất nông nghiệp. Qua theo dõi diễn biến mức độ xâm nhập mặn cho thấy năm nay cao hơn TBNN.

Các đợt xâm nhập mặn sâu nhất xuất hiện từ ngày 8 đến 13-3 với ranh mặn 4‰, 1‰ xâm nhập vào sâu 40-66 km, có nơi sâu hơn, như tỉnh Tiền Giang và Bến Tre vào sâu 70-76 km.

Đặc biệt tại khu vực Bến Tre và sông Cổ Chiên đã xâm nhập mặn sâu hơn năm 2016. Đợt triều cường ngày 23 và 24-3 (15-2 âm lịch) đã đẩy mặn vào sâu nên thời gian giảm mặn sẽ diễn ra dài ngày. Bên cạnh đó, các kênh rạch một số tỉnh thuộc ĐBSCL đang gặp tình trạng khô cạn.

Theo ông Đại, xâm nhập mặn năm 2024 diễn ra sớm, giữa tháng 11-2023 đã xuất hiện, đi sâu vào nội đồng. Đợt mặn từ ngày 8 đến 13-3, ranh mặn 4g/l vào sâu 40-50 km, có nơi sâu hơn, tính đến thời điểm hiện tại đây là đợt có nồng độ mặn cao nhất năm 2024; ranh mặn 1 g/l tại Tiền Giang có nơi xâm nhập sâu tới 70 km.

Cụ thể, tại tỉnh Bến Tre, mùa khô 2023-2024 mặn xâm nhập sớm, sâu hơn TBNN và sâu hơn mùa khô 2022-2023. Tính đầu mùa khô đến nay đợt xâm nhập mặn 8 đến 13-3 là đợt xâm nhập mặn sâu nhất, đặc biệt trên sông Cổ Chiên đã sâu hơn ranh mặn 1g/l sâu nhất của mùa khô 2015-2016. Cụ thể, trên sông Cổ chiên độ mặn 1g/l sâu hơn 7,5 km so với 2016, sâu hơn 25.8 km so với TBNN. Độ mặn 4g/l xâm nhập đến Ấp Phú Mỹ, xã Nhuận Phú Tân (huyện Mỏ Cày Bắc), cách cửa sông 57,2 km. Độ mặn 1g/l xâm nhập đến Ấp Hòa Thuận, xã Vĩnh Bình (huyện Chợ Lách), cách cửa sông 75,8 km.

Trên sông Hàm Luông độ mặn 1g/l ít sâu hơn 2016 khoảng 5 km; sâu hơn 2023 khoảng 6 km, sâu hơn TBNN 11 km. Độ mặn 4g/l xâm nhập đến Ấp Tiên Lợi, xã Tiên Long (huyện Châu Thành) - Ấp Tân An, xã Long Thới (huyện Chợ Lách), cách cửa sông 66,4km. Độ mặn 1 g/l xâm nhập đến Sơn Quy, thị trấn Chợ Lách (huyện Chợ Lách), cách cửa sông 76 km.

Tại tỉnh Tiền Giang, xâm nhập mặn năm 2024 đến sớm hơn và lấn sâu hơn so với TBNN, độ mặn 4g/l lấn sâu 18 km vào ngày 8-1. Độ mặn tăng cao và lấn sâu vào nôi đồng vào cuối tháng 2 đầu tháng 3 trùng với kỳ triều cường đầu tháng 2 âm lịch nên độ mặn trên sông Tiền đã tăng cao và lấn sâu hơn so với cùng kỳ năm 2016. Biên mặn 4g/l lấn sâu 52 km (trạm Đông Tâm, huyện Châu Thành), biên mặn 1g/l lấn sâu 64 km (xã Phú Phong, huyện Châu Thành)...

Lưu ý, các khu vực không thường xuyên bị tác động bởi xâm nhập mặn, nhất là vùng cây ăn trái, bà con nên kiểm tra độ mặn khi sử dụng nước để tránh thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra trong thời gian cao điểm này.

Sẽ còn 3 đợt xâm nhập mặn ở ĐBSCL

Cơ quan khí tượng cảnh báo xâm nhập mặn ở ĐBSCL tiếp tục ở mức cao hơn TBNN, cao hơn năm 2023. Từ nay đến hết mùa hạn mặn năm 2024, khả năng xuất hiện từ 3 đợt xâm nhập mặn ở ĐBSCL, các đợt xâm nhập mặn tăng cao tập trung trong các thời kỳ từ ngày 8 đến 13-4, từ 22 đến 28-4 và từ ngày 7 đến 11-5.

Cụ thể, chiều sâu xâm nhập mặn 4‰ trên sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây từ 70-95 km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại từ 50-62 km; sông Hàm Luông từ 60-68 km; sông Cổ Chiên từ 45-55 km; sông Hậu từ 40-55 km; sông Cái Lớn từ 45-55 km.

Hiện nay, cơ quan khí tượng thường xuyên cung cấp thông tin dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn định kỳ với tần suất 10 ngày/bản tin cho các địa phương. Khi mặn tăng đột xuất sẽ tăng cường bản tin để phục vụ công tác chỉ đạo...

Tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Công, triều cường và còn biến động trong thời gian tới. Các địa phương ở vùng ĐBSCL cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng chống xâm nhập mặn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long kéo dài đến bao giờ?