Nhận định Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi được ban hành từ năm 2010, đến nay đã hiện hành 12 năm. Bộ chuẩn đưa ra 5 lĩnh vực phát triển gồm phát triển thể chất, phát triển ngôn ngữ, phát triển nhận thức, phát triển thẩm mỹ và phát triển tình cảm xã hội. Trong đó, bộ chuẩn 2010 đã chọn lọc những chuẩn và tiêu chí cơ bản nhất, cần thiết nhất nhằm đánh giá năng lực cho trẻ 5 tuổi.
Sau 12 năm đưa vào sử dụng, cô Hương nhận thấy bộ chuẩn đã đáp ứng được nhiều yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực cho trẻ 5 tuổi, thậm chí là những trẻ ở độ tuổi nhỏ hơn.
Bùi Thị Hương – Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Quang Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Ảnh Ngô Chuyên. |
Mỗi tiêu chí trong bộ chuẩn được đưa ra súc tích, cô đọng và để giáo viên có thể đánh giá một cách chính xác nhất các kỹ năng mà trẻ cần đạt được khi 5 tuổi.
Bộ chuẩn năm 2010 cũng là cách để đánh giá giáo dục mầm non ở các cơ sở; đồng thời hỗ trợ trẻ 5 tuổi một số kỹ năng cơ bản như tâm lý, thể chất. Yêu cầu về kiến thức không quá cao. Ví dụ, yêu cầu với môn chữ cái chỉ dừng lại ở làm quen con chữ; còn môn Toán làm quen con số.
Tuy nhiên, cô Hương bày tỏ mong muốn nếu điều chỉnh lại bộ chuẩn 2010 cần đáp ứng nhu cầu thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, đặc biệt là vùng nông thôn và thành thị.
Cụ thể tại vùng nông thôn, điều kiện cơ sở vật chất để phát triển chương trình, kiến thức cũng như kỹ năng cho trẻ có nhiều điểm khác so với vùng thành thị.
Bên cạnh đó, tư duy của trẻ là trực quan sinh động. Nhưng ở những nơi mà điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, đồ chơi cho các hoạt động trải nghiệm chưa nhiều thì yêu cầu kỹ năng của trẻ cần giảm thấp hơn so với những nơi có điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn.
Theo cô Hương, bộ chuẩn hiện hành phù hợp với vùng đồng bằng, thành thị nhiều hơn. Với miền núi, bộ chuẩn nên giảm yêu cầu về các tiêu chí bởi trẻ ở vùng khó khăn không thể đạt hết các tiêu chí hoặc chỉ dừng ở mức đạt, chưa phải kết quả cao.
Cô Hương lấy ví dụ tại Trường Mầm non xã Quang Lộc nằm ở vùng nông thôn nên để trẻ đáp ứng các yêu cầu của bộ chuẩn, tại các cơ sở giáo dục mầm non còn xây dựng thêm chương trình của địa phương nhằm cung cấp thêm kỹ năng cho trẻ.
Nhiều yêu cầu của bộ chuẩn còn mang tính chất chung cho các tỉnh thành nên khi triển khai, giáo viên phải tìm cách cụ thể hóa, mở rộng vấn đề chương trình phù hợp với năng lực và điều kiện của địa phuong nhằm giúp phát triển kỹ năng của trẻ một cách toàn diện.