Xây dựng Luật Nhà giáo là bước tiến quan trọng và cần thiết nhằm nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo, góp phần cải thiện chất lượng giáo dục.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ (đoàn TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, Luật Nhà giáo cung cấp cơ sở pháp lý rõ ràng, đầy đủ để bảo vệ quyền lợi của nhà giáo; từ đó tạo ra môi trường làm việc ổn định; đồng thời, khẳng định vai trò quan trọng của giáo dục trong sự phát triển của đất nước.
Giáo dục là lĩnh vực luôn thay đổi, phát triển theo xu thế phát triển chung của xã hội. Dự án Luật Nhà giáo gồm 9 chương, 50 điều, đại biểu Nguyễn Thị Lệ đánh giá cao Ban soạn thảo có sự chuẩn bị chu đáo, tổ chức lấy ý kiến nhiều ngành, nhiều giới, các bộ, ban, ngành.
“Thiết nghĩ, luật này có liên quan đến các luật hiện hành, trong đó có 3 luật, với nhiều quy định tác động, ảnh hưởng trực tiếp tới nhà giáo, gồm: Luật Viên chức, Luật Giáo dục và Luật Lao động” - đại biểu Nguyễn Thị Lệ nêu ý kiến và bày tỏ tâm đắc với dự thảo Luật Nhà giáo.
Việc định danh nhà giáo đã làm rõ hơn khái niệm về nhà giáo, giúp chúng ta phân biệt rõ ràng với các nghề nghiệp khác. Qua đó, một lần nữa nhấn mạnh vai trò quan trọng của nhà giáo, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của nghề giáo trong xã hội. Chế độ đãi ngộ và phúc lợi đã đề xuất nhiều chính sách tăng lương, phụ cấp và các chế độ đãi ngộ khác nhằm thu hút và giữ chân người tài trong ngành giáo dục.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Lệ, dự thảo Luật Nhà giáo thể hiện sự nhân văn, tôn trọng nhà giáo, tháo gỡ được những khó khăn trong quá trình tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 24, nhà giáo dạy liên trường, liên cấp trong các cơ sở giáo dục công lập. Việc này sẽ giải quyết được bài toán thiếu giáo viên ở nhiều trường học hiện nay.
Ngoài ra, dự thảo Luật bảo đảm quyền lợi cho nhà giáo công tác tại cơ sở ngoài công lập. Qua đây, tạo được sự bình đẳng về cơ hội phát triển giữa nhà giáo công lập và ngoài công lập.
Khẳng định, khi ban hành Luật Nhà giáo sẽ tạo cho ngành Giáo dục sự chủ động trong tuyển dụng, sử dụng, phát triển đội ngũ nhà giáo, đại biểu Nguyễn Thị Lệ nhìn nhận, khi đó sẽ có chế tài pháp lý đủ mạnh để tháo gỡ các nút thắt trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo.
Đồng thời, thu hút người giỏi đến với nghề dạy học, phù hợp với chủ trương, quan điểm xuyên suốt của Đảng ta luôn xác định phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu. Mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng của hệ thống giáo dục trên cơ sở chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.