Chia sẻ kinh nghiệm từ Trường THPT Đặng Trần Côn, thầy Đỗ Cao Long cho hay, để có được nguồn để chất lượng, tổ Toán đã triển khai cho giáo viên trong tổ soạn câu hỏi trắc nghiệm khách quan theo từng yêu cầu cần đạt trong Chương trình GDPT 2018 môn Toán.
Theo đó, mỗi chỉ báo trong các yêu cầu cần đạt soạn ít nhất 1 câu hỏi (có giải thích phương án nhiễu). Mỗi giáo viên được phân công soạn một nhóm các yêu cầu cần đạt theo từng nội dung/chủ đề. Sau đó, tổ chức báo cáo, phân tích, thảo luận trong sinh hoạt chuyên môn để chốt và chọn các câu hỏi đảm bảo yêu cầu, chất lượng.
“Tiêu chí đầu tiên và hết sức quan trọng là giáo viên phải nắm được yêu cầu cần đạt của bộ môn trong Chương trình GDPT 2018. Khi soạn câu hỏi, cần bám sát các chỉ báo trong từng yêu cầu cần đạt. Sau khi kiểm tra, dùng phần mềm để hỗ trợ thống kê xem mỗi câu hỏi đã đảm bảo mức độ đưa ra chưa, các phương án nhiễu có tốt không”, thầy Đỗ Cao Long lưu ý.
Còn theo thầy Trần Văn Hân - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tháp Mười (Đồng Tháp), xây dựng nguồn đề phong phú, chất lượng từ cơ sở, nhà trường cần triển khai nghiên cứu, phân tích sâu đề minh họa của Bộ GD&ĐT. Việc thực hiện nghiêm túc không chỉ trong tổ/nhóm chuyên môn mà phải có hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, cách làm trong toàn trường.
Đồng thời, phân công nhóm chuyên môn soạn các câu hỏi kiểm tra và thẩm định chéo để từng bước chuẩn hoá. Ứng dụng công nghệ thông tin để phân tích, đánh giá và thống kê số liệu theo yêu cầu của đề kiểm tra. Khắc phục tính chủ quan và kiểm tra đánh giá theo thói quen của giáo viên.
Người trực tiếp tham gia xây dựng đề thi, cần nghiêm túc, nghiên cứu sâu cách đặt câu hỏi trong các bộ SGK được phê duyệt; có nguồn tài liệu tham khảo uy tín, chất lượng. Về phía Bộ GD&ĐT, có lộ trình và quy định trách nhiệm của cơ sở giáo dục trong đóng góp vào ngân hàng đề thi chung.
Để có nguồn đề chất lượng, việc đầu tiên phải tổ chức tập huấn ra đề cho giáo viên, ít nhất là đội ngũ tổ trưởng, tổ phó. Hiện hầu hết nhà trường, thông qua các đề ôn tập và kiểm tra giữa học kỳ II đều yêu cầu tổ bộ môn xây dựng đề kiểm tra dần hướng đến cấu trúc đề của Bộ GD&ĐT.
Mỗi đề sau thi phải được tập thể giáo viên phân tích cặn kẽ dựa trên yêu cầu cần đạt, câu trả lời của học sinh, sau đó hiệu chỉnh để đưa vào ngân hàng đề của trường. Tuy nhiên việc này khó thực hiện vì thời gian và kinh phí. Tâm lý ngại thay đổi cũng là rào cản lớn, làm chậm quá trình đổi mới. - Thầy Vũ Ngọc Hòa (Trường THPT Ngô Quyền TP Biên Hòa, Đồng Nai)