Xây dựng Trường học hạnh phúc: Đừng áp đặt 'cái tôi'

Đức Trí | 27/10/2022, 10:10
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Quá trình dạy học, người thầy khó tránh khỏi những tình huống tiêu cực dẫn tới lời nói, hành động chưa chuẩn mực.

“Giận đến mấy với những hành vi, việc làm, lời nói… chưa chuẩn mực của học trò thì người thầy vẫn phải bình tĩnh để phân tích, uốn nắn dần dần. Nếu giáo viên không chủ động quản lý cảm xúc trước những tình huống phi giáo dục, để tức giận đẩy lên cao sẽ khó tránh khỏi việc buông ra lời nói, hành động thiếu chuẩn mực với học trò.

Khi bị xúc phạm, nhẹ thì học trò tự ái, bực tức thầy cô, nặng nề hơn sẽ tự ti, sợ học, lẩn tránh, hoặc có hành vi chống đối, thù hằn. Như vậy, quá trình gây dựng lại niềm tin, giáo dục sau đó sẽ vô cùng vất vả, kém hiệu quả...”, cô Hạnh trao đổi.

Thực tế trên cho thấy, việc làm chủ cảm xúc của giáo viên cần thiết để tạo nên môi trường giáo dục thân thiện, hạnh phúc. Song quản lý cảm xúc cách nào? thì không phải thầy cô nào cũng biết và có thể làm tốt hoặc nhận ra điểm yếu của mình mà thay đổi.

Hơn 20 năm gắn bó với nghề dạy học, kiêm nhiệm công tác chủ nhiệm, bồi dưỡng học sinh giỏi… NGƯT Nguyễn Thị Hạnh, Trường THPT chuyên Lào Cai cho biết, để quản lý cảm xúc trong quá trình dạy học, cô luôn tâm niệm học sinh như con mình. Trò có lỗi thường gọi riêng góp ý để các em hiểu và tự giác sửa chữa, thay đổi. Lứa tuổi học sinh THPT nhạy cảm và đã có thể suy nghĩ sâu xa, do đó nếu bị mắng nhiếc, quát tháo trước mặt bạn bè, các em có xu hướng cố tình làm ngược để thể hiện cái tôi cá nhân, bất cần, không biết sợ...

Với cô Nguyễn Thị Lan Phương, Trường Tiểu học Hồng Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội), quản lý cảm xúc trong quá trình dạy học là yếu tố quyết định dẫn tới thành công giáo dục toàn diện. Bởi học sinh lớp 1 vừa chuyển từ chơi sang học, hiếu động… không quản lý được cảm xúc giáo viên dễ bị căng thẳng, áp lực.

“Đôi khi rơi vào trạng thái bất lực bởi nhắc nhở nhiều lần một vấn đề mà học sinh vẫn lặp lại vi phạm. Lúc này, bản thân chỉ biết kìm nén cảm xúc thật tốt, bước ra khỏi lớp 2 - 3 phút, hít sâu và lấy lại bình tĩnh để tiếp tục công việc. Học sinh dù nghịch ngợm hay tiếp thu chậm vẫn cần được giáo dục bằng sự khuyến khích, chia sẻ, uốn nắn nhẹ nhàng. Điều đó giúp khoảng cách giữa cô và trò thu hẹp, niềm tin được khẳng định, học trò coi cô như “mẹ”, trường học là ngôi nhà hạnh phúc thứ 2...”, cô Phương chia sẻ.

Để giáo viên quản lý tốt cảm xúc, từ đó xây dựng từng tiết học, ngôi trường hạnh phúc, TS tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh, Giám đốc Học viện Thành Công (Hà Nội) chỉ ra hàng loạt giải pháp: Trước hết, thầy cô cần nắm được trạng thái tâm lý học sinh tại thời điểm tình huống sư phạm xảy ra. Sau đó tìm hiểu nguồn gốc sâu xa của tâm trạng tiêu cực mà học sinh đang có. Trên cơ sở đó tự điều chỉnh cảm xúc của mình cho phù hợp với học trò và hoàn cảnh…

TS tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh đồng thời khẳng định, giáo viên cần biết cách và có phương pháp chuyển hướng hoạt động khi cảm xúc đẩy lên cao trào. Ví như, ra khỏi lớp để cân bằng lại tâm lý; Cầm chắc một dụng cụ dạy học và tâm niệm không tức giận khi dạy học; Tạm dừng trao đổi với học sinh gây ức chế, chuyển sang học sinh khác tích cực. Thậm chí có thể ngừng tiết dạy trong 5 - 10 phút để hạ trấn tĩnh bản thân.

“Xây dựng trường học hạnh phúc từ điều chỉnh, quản lý cảm xúc đòi hỏi người thầy học cách lắng nghe, chia sẻ ý kiến với người thân, đồng nghiệp. Thầy cô nên tham gia các khóa học về kỹ năng kiểm soát xúc cảm; ứng xử, giao tiếp với học trò để hoàn thiện mình hơn khi đứng lớp hay đối diện với tình huống phi giáo dục...”, TS Vũ Việt Anh khuyến cáo.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/xay-dung-truong-hoc-hanh-phuc-dung-ap-dat-cai-toi-post612727.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/xay-dung-truong-hoc-hanh-phuc-dung-ap-dat-cai-toi-post612727.html
Bài liên quan
Lễ vinh danh cuộc thi viết và bình chọn 'Trường học hạnh phúc' năm 2024
Ngày 17/11, Tạp chí Trẻ em Việt Nam tổ chức Lễ vinh danh cuộc thi viết và bình chọn "Trường học hạnh phúc" năm 2024 nhân dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xây dựng Trường học hạnh phúc: Đừng áp đặt 'cái tôi'