Kể từ đó, Luật Giáo viên và Giảng viên đã nâng cao địa vị của thầy, cô giáo so với các ngành nghề khác như luật, y khoa... và tạo động lực thúc đẩy giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn.
Trả lời phỏng vấn của World Bank, chị Tina Setiawati, giáo viên tại Indonesia, bày tỏ: “Trước đây, tôi không tự tin khi giảng dạy vì ngần ngại trước các phương pháp giảng dạy mới. Tuy nhiên, giờ đây (sau khi có Luật Giáo viên và Giảng viên), tôi đã tự tin. Học sinh cũng có động lực học tập hơn”.
Theo đánh giá của World Bank, một trong những cải cách giáo dục quan trọng của Indonesia nằm trong Luật Giáo viên và Giảng viên khi quy định tất cả giáo viên phải có bằng cử nhân đại học và chứng chỉ sư phạm khác nhằm bổ sung về năng lực chuyên môn. Những giáo viên đạt chứng chỉ sẽ được nhận một khoản trợ cấp chuyên môn giúp nâng cao thu nhập.
Ngoài ra, Luật Giáo viên và Giảng viên giúp nâng cao kiến thức, kỹ năng và động lực làm việc của giáo viên. Điều này góp phần tác động tích cực đến kết quả học tập của học sinh.
Trong khi đó, tại Ba Lan, Hiến chương Nhà giáo (tiếng Ba Lan: Karta Nauczyciela) là văn bản pháp lý xác định quyền và nghĩa vụ của giáo viên phổ thông. Hiến chương được thông qua ngày 26/1/1982 và được sửa đổi nhiều lần từ đó đến nay.
Phạm vi điều chỉnh của Hiến chương là tất cả vị trí công việc trong trường công lập dưới bậc đại học gồm giáo dục tiểu học, THCS và THPT. Hiến chương quy định điều kiện việc làm, yêu cầu trình độ, nhiệm vụ, trách nhiệm kỷ luật, thăng tiến nghề nghiệp, phúc lợi xã hội, lương hưu, chăm sóc sức khỏe... dành cho giáo viên. Đối với giáo viên, Hiến chương có ý nghĩa quan trọng hơn Bộ luật Lao động Ba Lan.
Điểm trọng tâm của Hiến chương là giáo viên phổ thông phải tốt nghiệp trường đại học sư phạm trở lên, đáp ứng yêu cầu về đạo đức và có sức khỏe tốt. Giáo viên cũng được kỳ vọng nâng cao kiến thức chung và chuyên môn bằng cách tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, bồi dưỡng khác bên cạnh mục tiêu dạy và học.
Luật Giáo viên và Giảng viên Indonesia tạo động lực hiệu quả thúc đẩy giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn. Ảnh: INT |
Canada là quốc gia duy nhất trên thế giới không có Bộ Giáo dục quốc gia hay hệ thống giáo dục quốc gia. Hiến pháp Canada cũng quy định chính quyền cấp tỉnh/bang có trách nhiệm toàn quyền đối với giáo dục cho tất cả cấp học trong phạm vi quản lý hành chính của họ. Vì thế, mỗi tỉnh/bang tại Canada đều có Đạo luật Giáo dục riêng.
Đơn cử, tỉnh/bang Bristish Columbia có Đạo luật Nhà giáo ban hành cùng năm 2011 với Luật Nhà giáo, Luật Giáo dục phổ thông, Luật Đại học... Tỉnh/bang Ontario có Luật Giảng viên Đại học, ban hành năm 1996.
Còn tại Hà Lan, từ ngày 1/8/2017, chính phủ đã thông qua Đạo luật về Nghề Giáo viên (Teacher Profession Act) nhằm đảm bảo chất lượng nghề nghiệp và thực hành nghề nghiệp của giáo viên trên cả nước. Luật áp dụng cho giáo viên tiểu học, trung học, giáo dục đặc biệt và phổ thông nghề.
Theo đó, Đạo luật về Nghề Giáo viên trao cho giáo viên nhiều quyền tự do và kiểm soát hơn trong quá trình giảng dạy và giáo dục. Cụ thể, đạo luật quy định rõ ba trách nhiệm của giáo viên gồm: Nội dung giáo dục, cách học sinh tiếp thu nội dung đó và môi trường học tập trong nhà trường. Ngoài ra, giáo viên chịu trách nhiệm độc lập trong việc đánh giá kết quả học tập của học sinh. Giáo viên cũng phải đáp ứng các yêu cầu về năng lực được đặt ra.
Bên cạnh đó, Hà Lan cũng ban hành nhiều văn bản, luật khác nhau liên quan đến nhà giáo như Quy chế nghề nghiệp, Luật Giáo dục... góp phần nâng cao chất lượng của đội ngũ nhà giáo. Các đạo luật, văn bản luật nếu gộp lại sẽ giúp thể chế hóa hầu hết mọi chính sách liên quan đến nhà giáo.
Do đó, một số nước chưa có luật riêng về nhà giáo nhưng vẫn xây dựng những chính sách khác nhau liên quan đến nhà giáo nhằm tạo ra các quy định chung về nhà giáo. Các nước có thể kể đến như Vương quốc Anh, Nhật Bản, Áo...
Nhìn chung, các văn bản này đều lấy nhà giáo làm trung tâm, coi đó là nguồn lực quan trọng nhất của giáo dục cần được phát triển để đảm bảo thực hiện sứ mệnh và mục tiêu của giáo dục. Điều này bắt nguồn từ tư duy chất lượng của hệ thống giáo dục phụ thuộc vào chất lượng đội ngũ nhà giáo; còn chất lượng đội ngũ nhà giáo phụ thuộc vào các chính sách định hình môi trường làm việc, quy định cách thức lựa chọn, tuyển dụng và phát triển giáo viên.
Theo báo cáo “Giáo dục Indonesia: Vượt lên thử thách” do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thực hiện, nhiều giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đánh giá Luật Giáo viên và Giảng viên góp phần nâng cao nhận thức rằng dạy học là một nghề nghiệp đang được đầu tư và chú trọng. Ngoài ra, luật còn quy định rõ những chính sách, chế độ phụ cấp cho giáo viên... nên ngày càng có nhiều người trẻ Indonesia yêu thích và lựa chọn theo đuổi nghề giáo.