Năm nay, một quy định rất mới trong đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT liên quan đến môn thi ngoại ngữ. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến việc xét tuyển vào ĐH.
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc nên thí sinh (TS) lựa chọn thi hoặc sử dụng chứng chỉ để miễn thi ngoại ngữ. Quyết định này của TS không chỉ tác động tới kết quả công nhận tốt nghiệp THPT mà còn ảnh hưởng đến việc xét tuyển vào ĐH.
Thí sinh phải quyết định chọn một trong 2
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, học sinh lớp 12 dự thi toán, ngữ văn và 2 môn thi đã được học ở lớp 12 trong số các môn: vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ công nghiệp, công nghệ nông nghiệp, ngoại ngữ. Như vậy, khác với năm trước, năm nay ngoại ngữ không phải môn bắt buộc, TS có thể lựa chọn thi hoặc không thi môn này trong kỳ thi tốt nghiệp.
Theo quy chế thi tốt nghiệp THPT năm nay, TS có chứng chỉ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu vẫn được phép sử dụng để miễn thi môn ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp nhưng không được quy đổi thành 10 điểm trong xét tốt nghiệp như các năm trước.
Với quy định này, có thể hiểu nếu TS chọn sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ để miễn thi tốt nghiệp thì sẽ không có điểm môn này để xét tuyển vào ĐH.
Do đó, nhiều TS đang đứng trước băn khoăn giữa việc thi hay sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Chia sẻ với PV Báo Thanh Niên, một học sinh tại TP.HCM cho biết: "Trong hướng dẫn đăng ký dự thi tốt nghiệp, trường phổ thông đặc biệt lưu ý với môn ngoại ngữ. Theo hướng dẫn của trường, học sinh cần phải đưa ra quyết định chọn thi hay sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ để miễn thi môn này trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Điều này khiến học sinh rất băn khoăn không biết nên thực hiện thế nào đảm bảo quyền lợi tối ưu trong cả xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH".
Các yếu tố quyết định
Trước băn khoăn này, tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho rằng việc TS cần làm là xem thông tin tuyển sinh cụ thể của trường, ngành mình mong muốn xét tuyển. Có 2 tình huống xảy ra, nếu trường chấp nhận quy đổi chứng chỉ sang điểm môn ngoại ngữ để xét tuyển, TS có thể chọn phương án sử dụng chứng chỉ quy đổi khi xét tốt nghiệp. Nhưng trường hợp trường không chấp nhận quy đổi chứng chỉ sang điểm môn ngoại ngữ trong tổ hợp xét tuyển, TS phải cân nhắc việc đăng ký dự thi môn này trong kỳ thi tốt nghiệp.
"Với trường hợp thứ 2, nếu không dự thi, TS sẽ không có điểm môn ngoại ngữ để xét tuyển. Tất nhiên, các trường ĐH có nhiều tổ hợp xét tuyển khác để TS lựa chọn. Tuy nhiên, TS cần nhắc kỹ tùy khả năng của bản thân, phương án xét tuyển của trường ĐH. Việc dự thi môn ngoại ngữ để xét tốt nghiệp không phải là rào cản lớn với TS. Trong một số trường hợp lại rất cần thiết khi xét tuyển ĐH", tiến sĩ Trung Nhân nói thêm.
Thạc sĩ Cù Xuân Tiến, Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), cũng cho hay: "Việc quy đổi từ điểm chứng chỉ tiếng Anh ra điểm môn tiếng Anh xét trong tổ hợp là tùy theo trường. Do đó, TS cần hết sức chú ý, xem kỹ thông tin tuyển sinh của trường mình muốn xét tuyển. Với trường không quy đổi chứng chỉ sang điểm môn ngoại ngữ, TS dự thi mới có cơ sở để xét tuyển".
Trường quy đổi, trường chỉ cộng điểm thưởng
Theo quy chế tuyển sinh năm nay, các trường ĐH có thể quy đổi các chứng chỉ ngoại ngữ thành điểm môn ngoại ngữ để đưa vào tổ hợp môn xét tuyển. Với quy định này, ngoài việc sử dụng điểm thi môn ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 để xét tuyển, các trường đều có phương án quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ sang điểm trong tổ hợp xét tuyển có môn ngoại ngữ. Tùy theo quan điểm, các trường có phương án khác nhau với TS có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khi tham gia xét tuyển.
Cùng hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM, các trường thành viên có cách sử dụng khác nhau với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Ví dụ, Trường ĐH Bách khoa áp dụng quy đổi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế sang điểm môn tiếng Anh trong xét tuyển ĐH chính quy. Điểm IELTS sẽ có 3 mức quy đổi: 5.0 tương đương 8 điểm, 5.5 tương đương 9 điểm và 6.0 trở lên tương đương 10 điểm. Ngoài IELTS, trường chỉ chấp nhận TOEFL iBT và TOEIC, trong đó riêng điểm TOEIC, để quy đổi ngang hàng thì cặp điểm thành phần nghe - đọc và nói - viết phải đạt đồng thời điểm chứng chỉ tiếng Anh theo yêu cầu.
Thạc sĩ Hoàng Thanh Tú, Phó trưởng phòng Thông tin - truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết năm nay trường có quy đổi điểm từ chứng chỉ ngoại ngữ sang điểm môn tiếng Anh để xét tuyển. Bảng quy đổi này sẽ được trường công bố thời gian tới.
Trong khi đó, một số trường thành viên khác của ĐH Quốc gia TP.HCM dự kiến không chấp nhận điểm quy đổi từ chứng chỉ ngoại ngữ. Theo thông tin đã công bố, Trường ĐH Công nghệ thông tin năm nay bổ sung tiêu chí phụ cộng điểm ưu tiên với TS có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế xét tuyển bằng điểm kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM và kỳ thi tốt nghiệp THPT vào trường. Trong đó, điểm ưu tiên bao gồm chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và ưu tiên đối tượng, khu vực theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM và Bộ GD-ĐT. Tiêu chí phụ tính điểm ưu tiên căn cứ vào chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế gồm: IELTS từ 6.5 trở lên, TOEFL iBT từ mức 65 điểm, JLPT từ mức N3.
Chia sẻ thêm thông tin, PGS-TS Nguyễn Lưu Thùy Ngân, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin, cho biết trường dự kiến xét điểm thi của TS chứ không chấp nhận điểm quy đổi từ chứng chỉ ngoại ngữ. Điều này nhằm tạo công bằng với các TS dự thi môn ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Tương tự, giống như các năm trước Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) dự kiến lấy điểm thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh cho tổ hợp xét tuyển có môn này. Tuy nhiên, trường hợp có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương từ IELTS 5.0 trở lên, TS được cộng điểm thưởng vào điểm xét tuyển (mức điểm thưởng này theo quy định của Bộ GD-ĐT, không vượt quá 10% tổng thang điểm tối đa).
Ngoài ĐH Quốc gia TP.HCM, nhiều trường chấp nhận quy đổi điểm từ chứng chỉ ngoại ngữ khi xét tuyển như: Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Nha Trang… Tuy nhiên, mức điểm quy đổi tương đương không giống nhau ở các trường. Một số trường chấp nhận chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương IELTS 4.0 nhưng phần lớn các trường sử dụng từ mức 5 - 5.5. Để được quy đổi thành 10 điểm môn tiếng Anh, mỗi trường cũng có quy định khác nhau. Trong đó, đáng chú ý một số trường lấy ở mức cao như: ĐH Kinh tế quốc dân lấy IELTS 7.5, Học viện Ngân hàng IELTS 8.0…
Có ảnh hưởng đến cơ hội xét tuyển ĐH của TS ?
Theo quy chế tuyển sinh ĐH Bộ GD-ĐT ban hành, các trường được quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ thành điểm môn này để đưa vào tổ hợp xét tuyển, nhưng trọng số không quá 50%.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT quy định điểm cộng khuyến khích, điểm thưởng với TS có chứng chỉ ngoại ngữ, không được vượt quá 10% mức tối đa của thang điểm xét (ví dụ tối đa 3 điểm trên thang 30).
Trả lời PV Báo Thanh Niên trước đây, lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng của Bộ GD-ĐT cho biết, trong quá trình đăng ký dự thi, TS sẽ chỉ lựa chọn hoặc thi môn ngoại ngữ hoặc miễn thi môn này. Khi chọn thi ngoại ngữ thì hệ thống đã thiết kế theo hướng TS không chọn thêm được ở ô miễn thi nữa. Vì vậy TS sẽ không tải được lên hệ thống chứng chỉ ngoại ngữ làm minh chứng cho việc miễn thi.
Về băn khoăn cho rằng điều này liệu có ảnh hưởng đến cơ hội xét tuyển ĐH của TS hay không, lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng khẳng định sẽ không ảnh hưởng, bởi đến phần xét tuyển ĐH, hệ thống tuyển sinh chung sẽ có hướng dẫn cho TS thực hiện điều này. TS cần nắm rõ phương thức xét tuyển của các trường ĐH mà mình đăng ký xét tuyển để làm theo đúng hướng dẫn.