Đơn vị nghiên cứu DXS - FERI cho biết thêm, thị trường cũng bắt đầu xuất hiện nhiều động thái trái chiều của các chủ đầu tư, khi hầu hết các chủ đầu tư tập trung đẩy mạnh bán hết giỏ hàng cũ, một số chủ đầu tư tiếp tục quan sát, thăm dò thị trường trước khi tung sản phẩm mới, thì một số ít chủ đầu tư tranh thủ thị trường khan hiếm nguồn cung mới để giới thiệu thông tin dự án mới.
Bên cạnh đó, “nỗ lực tự cứu mình” cũng là động thái của các doanh nghiệp môi giới bất động sản. Tập trung tái cấu trúc chi phí, nhiều doanh nghiệp chuyển đổi định phí sang biến phí, dịch chuyển từ mô hình trả lương cứng cho nhân viên kinh doanh sang mô hình trả lương theo sản phẩm giao dịch thành công, phát triển mô hình cộng tác viên. Đa dạng hóa sản phẩm và ngành nghề kinh doanh, đa dạng phân khúc sản phẩm phân phối.
Đồng thời, mở rộng kinh doanh thêm các dịch vụ mới trong hệ sinh thái bất động sản như tư vấn thiết kế nội thất, môi giới cho thuê, môi giới thứ cấp, quản lý tài sản,… Thậm chí là mở rộng kinh doanh thêm dịch vụ mới: mở quán cà phê, môi giới du học, môi giới xuất khẩu lao động,…
Cũng xuất hiện một số phản ứng trái chiều của các doanh nghiệp, khi số đông đơn vị môi giới đã “bị bỏ lại” sau 1 năm quá nhiều thách thức. Một số khác hoạt động cầm chừng, cố “gồng”, chờ đợi diễn biến tiếp theo của thị trường. Bên cạnh đó, một số ít doanh nghiệp môi giới đang tăng cường tuyển dụng nhân viên kinh doanh và tranh thủ cơ hội chiếm thị phần.
Nhà đầu tư quan sát chờ cơ hội xuống tiền
Tâm lý và hành vi của khách hàng bất động sản cũng có nhiều thay đổi. Đa số khách hàng tiếp tục nghe ngóng và chờ đợi diễn biến tiếp theo của thị trường, đặc biệt là đối tượng khách hàng đầu tư. Thậm chí khách hàng có nhu cầu thật nhưng vẫn quan sát, chờ đợi thêm. Bắt đầu xuất hiện nhóm các nhà đầu tư chuyên săn hàng “ngộp”, tranh thủ cơ hội để sở hữu BĐS giá rẻ tại thời điểm này.
So với 6 tháng cuối năm 2022, thì 6 tháng đầu năm 2023 bối cảnh thị trường chung vẫn chưa có nhiều thay đổi. Pháp lý dự án vẫn tiếp tục vướng mắc, chưa có thay đổi nhiều so với trước đó khi nhiều dự án chưa ra sổ, chưa ký hợp đồng mua bán; số lượng dự án được ưu tiên giải quyết chưa đến 100 dự án trên toàn quốc (chủ yếu là các dự án đã bán hàng xong, đang đợi sổ). Nguồn cung mới tiếp tục khan hiếm, chỉ có nguồn cung thứ cấp ổn định và khá đa dạng, bổ sung thêm nhiều dự án sắp bàn giao.
Về nguồn vốn, lãi suất cho vay giảm nhẹ về 12% - 14%, vẫn là mức lãi suất khá cao so với sức chịu đựng của doanh nghiệp và người dân. Doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn để tiếp cận các kênh huy động vốn. Dù Khách hàng được hỗ trợ nhiều hơn về hạn mức tín dụng vay mua bất động sản, tuy nhiên vẫn bị một số ngân hàng gây khó khăn khi phải mua bảo hiểm mới được ưu tiên giải ngân.
Về niềm tin thị trường, với nhà đầu tư cá nhân, kênh gửi tiết kiệm vẫn đang là lựa chọn ưu tiên. Tuy nhiên, thị trường đã ghi nhận những tín hiệu tích cực, dù nhỏ, nhưng đã khiến tâm lý nhà đầu tư dần chuyển hướng tích cực hơn, duy trì trạng thái quan sát chờ cơ hội xuống tiền. Đánh giá chung: thị trường đang bắt đầu có tín hiệu tích cực dần từ tháng tháng 6/2023.