"Bây giờ mọi người hỏi tôi khó khăn là gì? Trả lời thật, nói không phải chảnh, đó là không đủ gạo để bán. Nói chính xác là không đủ gạo chất lượng theo tiêu chuẩn thị trường châu Âu (EU), Mỹ để xuất khẩu theo nhu cầu khách hàng"- ông Khỏe nói.
Theo ông Khỏe, công ty ông đã xuất khẩu gạo sang EU từ khi chưa cho Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA), với lượng bán chỉ 1-2 container (khoảng 20 tấn/container) thì nay lên đến vài ngàn tấn/năm nhưng chưa là gì so với nhu cầu của họ.
"Vấn đề bây giờ không phải là giá cả mà chúng ta cần số lượng đủ để cung cấp cho đối tác. Chúng tôi đã tìm được thị trường ngách giá cao và đang làm việc với các địa phương để mở rộng vùng nguyên liệu. Trước khách hàng mua gạo Việt Nam vì giá rẻ, nay họ mua gạo của chúng ta vì chất lượng" – ông Khỏe bày tỏ.
Lotus Rice hiện chưa đủ số lượng theo đơn hàng xuất khẩu
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân dự báo ngành gạo năm nay chủ yếu là thuận lợi, thời cơ hơn thách thức.
Vấn đề hiện nay là cần tổ chức lại sản xuất, liên kết, thích ứng biến đổi khí hậu để tận dụng được cơ hội thị trường.
"Chúng tôi sẽ phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định hướng lại cơ cấu chủng loại gạo phù hợp với xuất khẩu. Doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ trọng xây dựng thương hiệu, giữ uy tín, thị trường" - Thứ trưởng Bộ Công Thương lưu ý.