Xung đột khiến Giáo dục Sudan khủng hoảng

17/08/2023, 08:04
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Từ khi xung đột Sudan xảy ra vào hồi tháng 4, khoảng 9 triệu trẻ em phải nghỉ học, có nguy cơ đối mặt với lạm dụng và lao động trẻ em.

Các tổ chức quốc tế đang nỗ lực khắc phục khủng hoảng của ngành Giáo dục nước này.

Khi chiến sự nổ ra ở Khartoum, Sudan, Sarah al-Sharif và gia đình buộc phải sơ tán, để lại sách vở và máy tính. Giờ đây, khi đã ổn định cuộc sống ở Sennar, cách Khartoum 30 km về phía Đông Nam, nữ sinh không thể tiếp tục việc học đang gián đoạn do thiếu đồ dùng, Internet.

“Cuộc chiến này đã đặt dấu chấm cho giáo dục Sudan. Mọi thứ đã trở nên tồi tệ đến không thể tưởng tượng”, nữ sinh Sharif cho hay.

Chiến sự tại Sudan xảy ra từ giữa tháng 4 năm nay đã đẩy hệ thống giáo dục vốn đang xuống dốc tại Sudan rơi vào tình trạng sụp đổ. Nhiều trường học phải đóng cửa hoặc tận dụng làm nơi ở cho người di cư.

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, ít nhất 89 trường học tại 7 bang đang được trưng dụng làm nơi tạm trú cho người dân sơ tán. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng nhiều trẻ em không được đến trường khi năm học mới bắt đầu và có thể rơi vào nạn lao động hoặc lạm dụng trẻ em.

Hôm 9/8, Bộ trưởng Giáo dục Sudan đã thông báo hủy bỏ hầu hết các kỳ thi cuối năm ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi chiến sự. Trong tình cảnh này, không ai lạc quan cho rằng năm học mới có thể bắt đầu.

Trước khi chiến sự xảy ra, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the Children) đã xếp Sudan là một trong bốn quốc gia nơi giáo dục đứng trước bờ vực nguy hiểm. Sau chiến sự, số trẻ em không được đến trường đã tăng từ 6,9 triệu lên 9 triệu người. Hơn một triệu trẻ em trong độ tuổi đi học đã phải đi di tản và ít nhất 10.400 trường học phải đóng cửa vì nội chiến.

Hệ thống giáo dục Sudan suy sụp do thiếu đầu tư, can thiệp chính trị và khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Bên cạnh đó là vấn đề thiên tai, dịch Covid-19.

Trước chiến sự, một lớp học Sudan thường có đông học sinh vượt quá số lượng tiêu chuẩn. Theo Abdullah, một giáo viên phổ thông, học sinh thậm chí phải mang theo ghế để đến lớp nghe giảng. Hầu hết học sinh Sudan đến từ các gia đình khó khăn, không đủ tiền mua sách giáo khoa hay đồ dùng học tập nên hành trang khi đến lớp của các em thường chỉ là một chiếc ghế.

Về phía giáo viên Sudan, thầy cô không được trả lương xứng đáng với công sức bỏ ra. Theo Ủy ban Giáo viên Sudan, từ tháng 3 năm nay, khoảng 300.000 giáo viên nước này không được trả lương. Ngay trước chiến sự, nhiều giáo viên công lập đã tổ chức đình công 3 tháng để yêu cầu chính phủ nâng tiền lương và điều kiện việc làm.

Trong thời điểm này, các tổ chức xã hội đang tích cực hỗ trợ ngành Giáo dục Sudan giảm bớt khủng hoảng bằng cách xây dựng không gian học tập trong trại tị nạn, thăm khám tâm lý cho trẻ em.

Đơn cử, Quỹ toàn cầu Giáo dục không thể chờ (Education Cannot Wait) của Liên Hợp Quốc đã huy động 12,5 triệu USD nhằm cung cấp dịch vụ giáo dục bổ trợ cho khoảng 120.000 trẻ em Sudan và các nước láng giềng.

Khi tình hình trong nước còn rối ren, nhiều gia đình đã rời khỏi Sudan và gửi con cái đi học tại các nước láng giềng như Ai Cập. Tuy nhiên, không phải người tị nạn Sudan nào cũng may mắn được đi học. Tại Chad, quốc gia tiếp nhận hơn 377.000 người Sudan, vẫn chưa thể tổ chức dạy học cho trẻ em trong các trại tị nạn.

Theo Reuters

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xung đột khiến Giáo dục Sudan khủng hoảng