Ngày nào cũng vậy, 6 giờ sáng, cô Yến ra khỏi nhà. Mùa hè cũng như mùa đông, khi mưa cũng như lúc nắng. Do học sinh mầm non ăn bán trú 3 bữa/ngày (sáng, trưa, chiều) nên cô phải có mặt ở trường từ sớm để kiểm tra công tác vệ sinh, chất lượng nguyên liệu, thực phẩm nấu ăn. Thực hiện công tác kiểm tra 3 bước trước, trong, sau khi nấu và lưu mẫu trong vòng 24 giờ, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Để đảm bảo sức khoẻ cho trẻ, cán bộ y tế trường còn xây dựng thực đơn theo tuần, theo mùa để đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn. Cô luôn nói không với thực phẩm trái mùa, kém chất lượng. Bởi vậy, bữa ăn của nhà trường luôn đầy đủ chất dinh dưỡng, thực đơn đa dạng và phong phú.
Cùng với đó là theo dõi biểu đồ tăng trưởng cân nặng, chiều cao, tình trạng suy dinh dưỡng. Đối với trẻ bình thường mỗi năm thực hiện đo 3 lần, còn đối với trẻ suy dinh dưỡng thì mỗi tháng một lần để theo dõi.
Cán bộ y tế trường Mầm non Thanh Xương theo dõi sức khoẻ cho trẻ. |
Xoa dịu những cơn đau...
Cô Hoàng Thị Bích Ngọc gắn bó với công tác y tế tại trường Tiểu học số 2 Thanh Xương (xã Thanh Xương, huyện Điện Biên) đến nay đã được 21 năm. Theo cô Ngọc, công tác y tế trường học thực sự rất quan trọng. Nhiều khi có những tình huống xảy ra bất ngờ, đòi hỏi người có chuyên môn sơ cứu kịp thời mới đảm bảo được sức khoẻ cũng như tính mạng học sinh.
“Ngày nào cũng vậy, tôi luôn là người đến sớm nhất để thực hiện công việc kiểm tra vệ sinh an toàn. Sau giờ tan học cứ nghĩ nếu còn học sinh mà mình về trước nhỡ có trường hợp tai nạn thương tích xảy ra, không kịp thời sơ cứu thì cũng không được. Vì thế ngày nào tôi cũng nán lại, đợi các em ra về hết tôi mới an tâm” cô Ngọc nói.
Cô Đỗ Thị Thọ, Hiệu trưởng trường Tiểu học số 2 Thanh Xương cho biết: ngoài công tác giáo dục thì công tác chăm sóc sức khoẻ học sinh cũng được nhà trường đặc biệt quan tâm. Thường xuyên quan sát nắm bắt tình trạng sức khoẻ học sinh để kịp thời xử lý. Bởi có sức khoẻ thì mới học tập tốt.
“Ngoài công tác chuyên môn, cô Ngọc còn được đồng nghiệp gọi với cái tên thân thương là “chuyên gia tâm lý” bởi mỗi khi có học sinh bị đau ốm là cô lại nhẹ nhàng quan tâm chăm sóc, trò chuyện để các em quên đi những cơn đau” cô Thọ chia sẻ.
Đối với những trường tổ chức ăn bán trú thì rất cần đội ngũ nhân viên y tế thường trực để vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời cũng là để chăm sóc sức khoẻ cho học sinh. Theo cô Thọ, nhà trường hiện có gần 500 học sinh, đa số là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương. Với đặc thù một trường tiểu học, học sinh rất hiếu động, nô đùa dễ dẫn đến tai nạn, thương tích. Bên cạnh đó, sức đề kháng của các em cũng yếu, hay ốm vặt nên việc có nhân viên y tế chuyên trách là rất cần thiết. Và đội ngũ này cũng rất vất vả khi quán xuyến số lượng lớn học sinh.