Yên tâm tuyển dụng khi 'chắc lý thuyết vững thực hành'

17/08/2023, 07:15
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ngày càng có nhiều những cử nhân quyết định sở hữu thêm bằng cấp, chứng chỉ, chứng nhận về đào tạo nghề.

Trần Anh Tú, 25 tuổi vừa tốt nghiệp ngành tài chính của một trường đại học, đang theo học ngành lễ tân khách sạn tại Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist (TPHCM). Chỉ còn vài tháng nữa là Tú sẽ hoàn thành chương trình học trung cấp đã được thiết kế gộp lại trong vòng 1 năm thay vì 2 năm như trước.

Lý do để Tú học trường nghề vì đây là chuyên ngành yêu thích và cảm thấy rất phù hợp. “4 năm học đại học cho em nhiều kiến thức và em hoàn toàn không thấy lãng phí gì cả. Em vẫn sẽ vận dụng được một số kiến thức tài chính vào trong lĩnh vực khách sạn vì sẽ liên quan đến tính toán”, Trần Anh Tú cho biết.

Bà Võ Thị Mỹ Vân cho biết, các trường hợp cử nhân đi học kỹ năng nghề, dù là ngắn hạn hay 1 năm hoặc 2 năm vẫn luôn được các doanh nghiệp chờ đợi để tuyển dụng, vì đây là những ứng viên “nặng ký”, họ vừa có trình độ, vừa có kỹ năng đồng thời có định hướng nghề nghiệp cụ thể, rõ ràng.

Tìm giá trị mình trong công việc

Theo TS tâm lý Đào Lê Hòa An - Nhà sáng lập và Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học tâm lý và hướng nghiệp 4.0 Jobway, Phó Viện trưởng Viện Việt Nam Bách nghệ thực hành, cử nhân đi học nghề có nhiều nguyên nhân, một phần từ sức hút của các trường khi đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học thực hành, một phần là do lâu nay công tác tư vấn, hướng nghiệp chưa được cá nhân hóa.

“Hướng nghiệp phải đi vào cá nhân hóa từng học sinh, còn hướng nghiệp chung chung ở sân trường thì chỉ mang yếu tố cung cấp thông tin sơ lược. Thầy, cô khi hướng nghiệp cần có định hướng dựa trên việc thấu hiểu năng lực, phẩm chất cá nhân của mỗi học sinh.

Việc hướng nghiệp cần có công cụ khoa học để giúp học sinh khám phá thế mạnh của bản thân mình. Cần có thêm những chương trình trải nghiệm ở đại học, cao đẳng, trường nghề để học sinh trải nghiệm trong một số ngày, từ đó giúp các em đưa ra các lựa chọn nghề nghiệp chính xác hơn”, TS Đào Lê Hòa An kiến giải.

Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM cho rằng, hiện tượng cử nhân học nghề là biểu hiện của sự chuyển dịch nghề nghiệp. Xã hội đang có những thay đổi lớn, đặc biệt là sự phát triển công nghệ cùng với sự tích hợp của nhiều ngành nghề. Nghề nghiệp sẽ gắn với kỹ năng và công nghệ, nhất là công nghệ thông tin. Nghề nghiệp không phù hợp hoặc lao động giản đơn sẽ bị hạn chế phát triển.

Chưa kể, hiện nay cũng là thời đại của khởi nghiệp kinh doanh, làm việc tại nhà, do vậy cũng là thời điểm nhiều cử nhân bắt đầu tìm lại năng lực, mơ ước của mình. Từ đó họ tìm cách học thêm nghề mới để thay đổi con đường nghề nghiệp hoặc bổ sung kỹ năng cho công việc hiện tại.

Ngoài ra, trong bối cảnh bị tác động, ảnh hưởng xấu bởi đại dịch Covid-19 và quá trình thay đổi công nghệ, nền kinh tế và các doanh nghiệp phải giải thể để tái cấu trúc, số lượng người bị thất nghiệp gia tăng, từ đó dẫn đến nhu cầu phải nâng cao giá trị nghề nghiệp trong mỗi người.

“Học tập ở thời đại này là học để đảm bảo có thực lực. Tạo dựng nghề nghiệp là một hành trình, phải đi từng bước một, để hoàn thiện chính mình, tìm ra những gì phù hợp mới tạo nên giá trị cá nhân. Giá trị nghề nghiệp của mỗi người là thứ mà thị trường lao động luôn chào đón, chứ không phải là bằng cấp”, ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/yen-tam-tuyen-dung-khi-chac-ly-thuyet-vung-thuc-hanh-post650227.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/yen-tam-tuyen-dung-khi-chac-ly-thuyet-vung-thuc-hanh-post650227.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Yên tâm tuyển dụng khi 'chắc lý thuyết vững thực hành'