Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, bé hoàn toàn có thể tự làm mọi việc trong khả năng của con. Ví dụ khi con còn nhỏ nhưng nếu được bố mẹ hướng dẫn cất đồ chơi sau khi chơi xong, hoặc thấy bố mẹ làm như vậy thì con có thể làm theo ngay.
Càng dạy sớm, việc con làm càng nhanh chóng trở thành thói quen. Các con nên được bắt đầu với những nhiệm vụ khả thi đơn giản như bỏ rác vào thùng, đi chợ cùng mẹ, tham gia dọn dẹp nhà như cất đồ chơi đúng chỗ...
2. Dù con làm chưa tốt cũng không chê bai
Vì bé còn nhỏ nên chắc chắn không thể khéo léo như người lớn. Chính vì vậy, bố mẹ dạy cách con sắp xếp gọn gàng chứ không phải là bắt ép con dọn dẹp chuyên nghiệp. Nếu thấy bé làm chưa tốt, bố mẹ vẫn đưa ra lời khen ngợi vì con đã chịu dọn, như "hôm nay con gái đã dọn đồ chơi rất sạch, mẹ cảm ơn con nhé, cái này chưa gọn nhưng vì con còn nhỏ nên như vậy đã là tốt rồi", đồng thời giúp bé dọn lại món đồ chưa hoàn chỉnh.
Khi con đã cố gắng làm mà các cha mẹ lại mắng mỏ thì hẳn con sẽ rất buồn và không muốn làm việc nhà nữa. Thế nên hãy khen một cách chân thành để bé có động lực cố gắng vào hôm sau nhé.
3. Không ra điều kiện, trả tiền công
Việc nhà là công việc chung, là trách nhiệm, cha mẹ nên dạy bảo chứ không đưa nó trở thành điều kiện. Một số cha mẹ có xu hướng làm như vậy vì nghĩ con sẽ dọn dẹp nhanh hơn, thế nhưng nhiều khi nó lại gây tác dụng ngược. Ví dụ như "hôm nay con dọn đồ chơi thì mẹ cho 20k" hay "nếu con dọn xong thì được quyền xem tivi". Điều này khiến trẻ nghĩ rằng con làm chỉ vì tiền và xem tivi chứ không thấy đó cũng là nghĩa vụ của mình.
Về sau, con sẽ mặc định việc đó là của bố mẹ, khi con thích hoặc cần tiền thì con sẽ làm, không thì thôi. Hậu quả, con sẽ càng tức tối, khó chịu khi phải làm việc nhà nếu không có điều kiện đặt ra. Đến lúc đó mọi lời dạy bảo trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
4. Đảm bảo tính công bằng trong khi giao việc
Bọn trẻ chẳng thích cái cảnh bị giao việc nhiều hơn so với anh chị em của mình. Vì thế khi giao việc cho con, tốt nhất nên đặt ra các công việc, yêu cầu mỗi thành viên trong gia đình lựa chọn. Cho con chọn trước, sau đó yêu cầu tất cả mọi người thực hiện cho đúng.
Ví dụ nếu con đã rửa bát vào buổi trưa, thì buổi tối sẽ là chị gái hoặc em trai. Cả việc lau nhà, quét nhà... cũng nên phân chia công bằng, không để ai thiệt hơn. Tất nhiên, bố mẹ có thể linh động trong những ngày con mệt, có bài tập gấp hoặc có chuyện gì đó không thể làm được...
5. Cho con được tự thể hiện
Nhiều khi tự làm con sẽ rất hứng thú, nhưng nếu bị bố mẹ chỉ đạo "dọn nhà đi, rửa bát chưa, đồ chơi bày bừa thế kia à" thì con lại thấy khó chịu, không muốn làm nữa. Hãy khéo léo trong việc sai con, đôi khi cho bé tự nhận hậu quả khi để nhà cửa bừa bộn một chút mới giúp con hiểu. Ví dụ khi bé để đồ chơi không dọn và vô tình giẫm vào gây đau đớn, lúc này bạn mới nói "Nếu mà căn phòng gọn gàng hơn chắc con gái mẹ sẽ không bị đau đấy" và gợi ý sẽ cùng con dọn nhà.
6. Kiên nhẫn và chia sẻ với con
Dạy bảo con làm việc nhà không phải là điều dễ dàng, cũng không thể một sớm một chiều mà bé nghe theo ngay. Cũng có trường hợp, hôm nay con làm nhưng ngày mai lại lười nhác, hoặc bé chỉ siêng năng trong một giai đoạn bất kì. Dù là trường hợp nào thì cha mẹ cần kiên nhẫn, không gấp gáp và hạn chế quát mắng nặng lời khi con chưa làm đúng những gì được dạy.
Chăm sóc và nuôi dạy con là một hành trình dài đòi hỏi nhiều kỹ năng, đặc biệt là sự kiên trì. Vì vậy, bố mẹ đừng quá lo lắng nếu con chưa nghe lời ngay nhé. Hãy dạy bảo bé từng ngày bằng lời nói nhẹ nhàng, đặc biệt là hành động làm gương cho con, dần dần bé sẽ học được tính tự giác trong việc giữ gìn nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp.