10 năm 'thay da đổi thịt' GD-ĐT khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Quốc Ngữ - Trường Tiến | 24/02/2023, 10:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

10 năm qua, giáo dục Đồng bằng sông Cửu Long thực sự “thay da đổi thịt”. 

Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tuy được quan tâm đầu tư nhưng chỉ mới đáp ứng yêu cầu tối thiểu để thực hiện chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông. Cơ sở vật chất của ngành Giáo dục dù đã được bổ sung đáng kể nhưng chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu dạy và học. Nhiều đơn vị chưa đủ phòng học để tổ chức dạy 2 buổi/ngày, nhất là cấp học mầm non, một số lượng phòng phải mượn từ cơ sở giáo dục tiểu học và THCS. Vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở các cơ sở giáo dục THCS, THPT. Kinh phí ngân sách đầu tư phát triển GD&ĐT còn hạn chế, chưa thu hút được nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực GD&ĐT...

Để bảo đảm tối thiểu cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ Chương trình GDPT mới, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh An Giang đã tổ chức rà soát, nhu cầu gần 7 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, khả năng cân đối ngân sách của tỉnh giai đoạn 1 chỉ bố trí được khoảng 1 nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh để thực hiện đầu tư phòng học, phòng học bộ môn Tin học cho cấp tiểu học giai đoạn 2021 - 2025. Nếu trong giai đoạn thực hiện chương trình, ngoài nguồn nêu trên, không được bổ sung thêm thì An Giang sẽ gặp nhiều khó khăn để giúp học sinh có cơ hội thụ hưởng những điều kiện giáo dục mới, đặc biệt học sinh vùng nông thôn.

Trao đổi về khó khăn của ngành Giáo dục địa phương, bà Trần Thị Ngọc Diễm, Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang cho biết: Trong công tác GD&ĐT, nhất là thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện và triển khai Chương trình GDPT 2018, địa phương có nhiều điểm khó khăn hơn so với một số vùng trong cả nước. Trong đó, 2 nội dung quan trọng mang tính chất quyết định là yếu tố nguồn lực con người và cơ sở vật chất phục vụ đổi mới là thách thức lớn.

Lý giải khó khăn, bà Trần Thị Ngọc Diễm cho biết: Sự gia tăng quy mô học sinh, dù cơ sở vật chất, trường học được địa phương quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Nhiều đơn vị chưa đủ phòng học tổ chức dạy 2 buổi/ngày, nhất là mầm non và tiểu học. Phương tiện dạy học, sân chơi, bãi tập ở một số trường chưa đáp ứng yêu cầu.

Nhiều công trình, phòng học cùng thiết bị được đầu tư trước đây đã xuống cấp. Thiếu kinh phí đầu tư thiết bị dạy học, xây dựng trường lớp theo kế hoạch. Trong đó, cơ sở vật chất cho ngành học mầm non hiện vẫn chỉ cơ bản đảm bảo cho phổ cập mầm non 5 tuổi, trẻ 3 - 4 tuổi ra lớp chỉ trên dưới 10%, nhà trẻ khoảng 5 - 7% số trẻ trong độ tuổi.

Tập trung hành động

Theo chia sẻ của lãnh đạo địa phương và ngành Giáo dục, vấn đề đặt ra là nâng trũng, vun cao cho giáo dục ĐBSCL. Nhưng làm cách nào thì cần được phân tích kỹ, thấu đáo, tìm ra nút thắt khách quan và chủ quan. Nếu không quyết tâm hóa giải những hạn chế của giáo dục thì khoảng cách giữa điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và cung cấp nguồn nhân lực sẽ ngày càng xa.

10 năm 'thay da đổi thịt' GD-ĐT khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 2

Học sinh tiểu học TP Cần Thơ tham gia ngày hội sáng tạo Robot. Ảnh: Q. Ngữ

Trong đó, nhóm giải pháp thuộc về địa phương như điều kiện đảm bảo chất lượng, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, kiên cố hóa trường lớp đảm bảo đủ điều kiện tối thiểu thực hiện chương trình mới, tài chính… nếu không có sự phối hợp của các địa phương, mục tiêu “nâng trũng” cho giáo dục ĐBSCL khó thực hiện.

Theo bà Trần Thị Ngọc Diễm, Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang, để giải quyết yêu cầu bức thiết, Sở đã tổ chức phân kỳ để tham mưu bố trí hợp lý nguồn lực góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT; ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn ngân sách Trung ương kết hợp ngân sách địa phương để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đáp ứng điều kiện và chất lượng giáo dục; Tập trung sắp xếp, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu đảm bảo thực hiện Chương trình GDPT 2018; Xây dựng kế hoạch sử dụng cơ sở vật chất của các trường đảm bảo thiết thực, hiệu quả;

Tận dụng tối đa cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật để bảo đảm chất lượng dạy học trực tuyến; Tiếp tục thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025; thực hiện lồng ghép có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 gắn với xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục.

Về giải pháp phát triển GD&ĐT, theo ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, thành phố chỉ đạo ngành Giáo dục phối hợp với các sở ngành và UBND quận, huyện tập trung rà soát những bất cập về chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý. Từ đó đề xuất, kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Nghiên cứu, tham mưu xây dựng các chính sách thu hút và hỗ trợ đặc thù của địa phương cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục;

Bên cạnh đó, thực hiện tốt chế độ chính sách đối với giáo viên, nhất là chính sách tiền lương, tạo tiền đề cho đội ngũ giáo viên yên tâm công tác; Tiếp tục ưu tiên kinh phí đầu tư trang bị các phương tiện, điều kiện làm việc cho đội ngũ nhà giáo theo hướng hiện đại hoá đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên; đào tạo văn bằng thứ hai, đào tạo liên thông hoặc bồi dưỡng chuyển đổi môn học để bổ sung giáo viên cho những môn còn thiếu, những môn đặc thù; gắn việc thực hiện trách nhiệm của giáo viên với quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để động viên, khích lệ giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Năm học 2010 - 2011, ĐBSCL có 13 cơ sở giáo dục đại học. Đến năm 2020, số lượng cơ sở giáo dục đại học đã tăng lên 21 (trong đó có 4 phân hiệu và 8 cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập). Như vậy gần như tỉnh nào ở trong vùng cũng có trường đại học, riêng TP Cần Thơ có 5 trường đại học và 1 phân hiệu; Vĩnh Long có 3 trường đại học và 1 phân hiệu.

Các trường đại học trong khu vực hiện đào tạo các trình độ từ đại học đến tiến sĩ với 1.475 lượt ngành đào tạo đại học, 115 lượt ngành đào tạo thạc sĩ và 40 lượt ngành đào tạo tiến sĩ. Quy mô mạng lưới đào tạo nhân lực trình độ cao đẳng, đại học và sau đại học cũng tăng đáng kể. Năm học 2010 - 2011, quy mô đào tạo cao đẳng, đại học là 42.448 sinh viên. Đến năm 2019 - 2020, quy mô sinh viên đại học đạt 149.744 sinh viên.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/10-nam-thay-da-doi-thit-gd-dt-khu-vuc-dong-bang-song-cuu-long-post627397.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/10-nam-thay-da-doi-thit-gd-dt-khu-vuc-dong-bang-song-cuu-long-post627397.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
10 năm 'thay da đổi thịt' GD-ĐT khu vực Đồng bằng sông Cửu Long