Thông tin cô bé 10 tuổi trúng tuyển đại học thời điểm đó đã trở thành đề tài được nhiều quan tâm. Bên cạnh sự ngưỡng mộ, nhiều người cho rằng Trương Di Văn là "thần đồng chín ép". Vốn dĩ cô không phải là thần đồng, kết quả này là "sản phẩm" trong cách giáo dục "ép chín" và tham vọng mà bố mẹ áp đặt.
Họ chỉ trích cách giáo dục cực đoan của bố mẹ - điều có thể sẽ khiến Trương Di Văn mất đi kỹ năng sống và rơi vào trạng thái khủng hoảng trong tương lai.
Trước những lời bàn tán, hoài nghi, ông Trương luôn tỏ ra bình tĩnh. Người đàn ông này nói rằng bản thân đã hoạch định sẵn cuộc đời cho con gái, để cô bé nhanh chóng bước vào một xã hội cấp cao.
Cuộc sống chật vật
Bước chân vào đại học, Di Văn luôn cảm thấy lạc lõng và cô độc. Do còn quá trẻ, giữa cô và các bạn cùng lớp có khoảng cách thế hệ. Việc giao tiếp bị cản trở và không có một người bạn đúng nghĩa, cô bé luôn tự ti và sợ hãi mỗi khi đến lớp.
Vì chưa bao giờ được giáo dục trong trường một cách có hệ thống nên kiến thức cơ bản của cô không vững, thường cảm thấy bồn chồn vì không thể theo kịp nhịp giảng dạy của giáo viên.
Năm thứ 2, do không phù hợp với chuyên ngành ban đầu nên Di Văn đã chuyển sang ngành thiết kế hoạt hình theo sở thích cá nhân. Tháng 7/2020, cô tốt nghiệp Học viện Công nghệ Thương Khâu với số điểm trung bình.
Tốt nghiệp ĐH ở năm 13 tuổi, cô bé không thể đầu quân vào công ty nào vì chưa đủ tuổi lao động. Theo kế hoạch, sau khi tốt nghiệp, cô sẽ học lên thạc sĩ nhưng chuyên ngành liên quan đến máy tính phải thi Toán và Anh. Trong khi đó, Di Văn học yếu 2 môn này nên chưa thể vượt qua kỳ thi sau ĐH.
Không có sự lựa chọn nào khác, cô chỉ có thể tới làm trợ giảng ở trường tư thục của cha mình với mức lương 1.500 NDT/tháng (khoảng 5 triệu đồng).
Hiện tại ở tuổi 16, Di Văn trở nên nổi loạn, lầm lì và thường đổ lỗi cho bố đã kiểm soát cuộc đời cô. Dù vậy, ông Trương vẫn đang vạch ra một kế hoạch mới cho cậu con trai 10 tuổi - em trai của Di Văn: Hoàn thành phổ thông trong ba năm, 13 tuổi sẽ đỗ vào Đại học giao thông ở Tây An, Trung Quốc... Người bố này luôn tin tưởng, kế hoạch giáo dục đốt cháy giai đoạn của mình sẽ mang lại những thành tựu đáng tự hào cho các con.
Nhiều người cho rằng cha mẹ nào cũng muốn con thành công, song điều đó không có nghĩa họ có quyền biến một đứa trẻ thành bộ máy giúp họ thực hiện tham vọng đó.