Trước đó, để giải quyết khó khăn chung của thị trường bất động sản, Chính phủ, các Bộ, ngành và đặc biệt là Bộ Xây dựng, Tổ công tác của Thủ tướng đã có nhiều tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản về thể chế, ban hành nhiều Nghị định, các Bộ, ngành cũng ban hành nhiều Thông tư để giải quyết những vướng mắc pháp luật. Cụ thể: Nghị định số 08/2023/NĐ-CP tháo gỡ liên quan đến phát hành trái phiếu; Nghị định số 10/2023/NĐ-CP tháo gỡ vướng mắc pháp luật trong lĩnh vực đất đai; Nghị định số 35/2023/NĐ-CP tháo gỡ vướng mắc pháp luật trong lĩnh vực xây dựng, quy hoạch, đô thị, nhà ở đặc biệt là nhà ở xã hội.
“Có thể nói, các vướng mắc của bất động sản về mặt thể chế đến nay cơ bản đã được tháo gỡ, giải quyết”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh khẳng định.
Mặc dù diễn biến thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đánh giá, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, thị trường bất động sản đã dần sôi động trở lại, lượng khách hàng tìm kiếm và giao dịch cũng tăng dần, hoạt động môi giới bất động sản có sự thích nghi và phục hồi.
Theo đó, hệ thống các sàn giao dịch bất động sản đã đạt được những kết quả nhất định cả về số lượng và chất lượng. Đến đầu năm 2022, đã có 80% sàn giao dịch quay trở lại hoạt động, đồng thời có thêm nhiều sàn mới được thành lập, hoạt động. Hiện có khoảng hơn 1.100 sàn giao dịch bất động sản hoạt động.
Cùng với đó, hoạt động của các sàn giao dịch đang từng bước hình thành môi trường minh bạch cho các nhà đầu tư bất động sản và đem lại nhiều lợi ích cho người dân khi tiếp cận hàng hóa bất động sản nhất là nhà ở, là kênh cung cấp thông tin thị trường quan trọng cho người dân và cho cơ quan quản lý Nhà nước.
"Nhiều sàn giao dịch đã có sự đầu tư về cơ sở vật chất, đầu tư đào tạo nhân lực, từng bước được chuyên nghiệp hóa trong hoạt động dịch vụ, đã có sự liên kết giữa các sàn với nhau nhằm trao đổi thông tin nâng cao hiệu quả dịch vụ", Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh khẳng định.