Liên minh châu Âu (EU) đã không gia hạn lệnh cấm thực phẩm Ukraine xuất khẩu sang các nước lân cận. Động thái này của EU đã gây ra xung đột với Ba Lan, Slovakia, Hungary và Romania, vốn cho rằng thực phẩm đến từ Ukraine đã bị kẹt trong biên giới của họ, tạo ra tình trạng dư thừa khiến giá cả của nông dân địa phương giảm và ảnh hưởng đến sinh kế của người dân.
Thủ tướng Ba Lan, Mateusz Morawiecki, cho biết, chính phủ của ông sẽ gia hạn lệnh cấm đối với ngũ cốc của Ukraine, bất chấp sự không đồng ý của Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành của EU.
“Ba Lan sẽ không cho phép ngũ cốc Ukraine tràn vào. Bất kể các quan chức Brussels quyết định thế nào, chúng tôi sẽ không mở cửa biên giới,” ông Morawiecki phát biểu hồi đầu tuần này.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki. Ảnh: BBC
Sự hỗ trợ của Ba Lan là cần thiết với Ukraine. Kể từ tháng 2/2022, Ba Lan đã mở cửa đón hàng triệu người di cư từ Ukraine sang quốc này này, đồng thời rất nhiều thiết bị quân sự trị giá hàng tỷ USD của NATO cũng đã được đưa vào lãnh thổ Ba Lan. Tuy nhiên, CNN nhận định, sự mệt mỏi đang diễn ra ở Warsaw thời gian gần đây.
Hiệp hội Vận tải Quốc tế Ukraine cho hay, người Ba Lan “không hài lòng với việc tự do hóa vận tải giữa Ukraine và các nước EU do quyết định này dẫn tới sự cạnh tranh cao đối với các tài xế Ba Lan".
Ukrinform lưu ý, một trong những yêu cầu của Ba Lan lúc này là hủy lệnh miễn thị thực.
Ông Serhii Derkach, Thứ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng Ukraine, nói với Ukrinform rằng yêu cầu này “không thể đáp ứng được”. “Không thể hủy bỏ thỏa thuận về tự do hóa giao thông vận tải, vì đây là vấn đề thỏa thuận song phương giữa EU và Ukraine. Và Ba Lan không thể đơn phương can thiệp,” ông Serhii Derkach nói.
Theo đài truyền hình quốc gia Ukraina Suspilne, những người tổ chức cuộc biểu tình nói rằng họ có kế hoạch mỗi giờ sẽ cho phép một xe tải đi qua biên giới. Đài Suspilne cũng lưu ý, những người biểu tình không có ý định cản trở di chuyển của các xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo đến Ukraine và cho biết thêm rằng họ được phép tổ chức biểu tình cho đến ngày 3/1.