Chờ khảo sát
Về phía cơ quan đại diện người LĐ, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn LĐ Việt Nam) cho hay, cơ quan này đang khảo sát tình hình LĐ, tiền lương tại một số địa phương. Từ kết quả khảo sát đó mới đưa ra đánh giá cụ thể và mức đề xuất lương tối thiểu vùng áp dụng cho năm tới. Ông Quảng dẫn Nghị quyết 27-NQ/TW của Trung ương định hướng hằng năm điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng tiến tới đảm bảo mức sống tối thiểu của người LĐ. “Lương tối thiểu hiện hành tăng từ 1/7/2022. Tới năm 2024 sẽ được hơn 1 năm rưỡi. Lương cơ sở cũng tăng từ 1/7 tới nên cơ quan này có thể sẽ đề xuất điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng. Tuy nhiên, mức đề xuất tăng lương tối thiểu ra sao phải chờ kết quả khảo sát thực tế”, ông Quảng nói.
Trước đó, Bộ LĐ-TB&XH triển khai điều tra LĐ, tiền lương trong DN năm 2023, kết quả điều tra sẽ làm cơ sở cho các bên trong Hội đồng tiền lương quốc gia thương lượng, thỏa thuận về tiền lương tối thiểu vùng áp dụng năm 2024. Cuộc điều tra được thực hiện tại 18 tỉnh, thành với nhiều LĐ ở tất cả các vùng miền, như: TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Hà Nội, Bắc Ninh...
Định kỳ, quý 2-3 hằng năm, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ nhóm họp để thương lượng, đưa ra khuyến nghị về mức tiền lương tối thiểu vùng áp dụng cho năm tiếp theo. Khuyến nghị của Hội đồng tiền lương là cơ sở để Bộ LĐ-TB&XH trình Chính phủ xem xét ban hành mức lương tối thiểu vùng. Mức lương tối thiểu vùng hiện hành được áp dụng từ ngày 1/7/2022 cụ thể: Vùng I có tối thiểu 4,68 triệu đồng/tháng; Vùng II tối thiểu 4,16 triệu đồng/tháng.