22 tỉnh được Bộ GD&ĐT kiểm tra công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2

13/11/2023, 15:14
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Cả nước hiện có 48/63 tỉnh đủ điều kiện, tiêu chuẩn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, trong đó 22 tỉnh đã được Bộ GD&ĐT kiểm tra, công nhận.

Có 42/704 đơn vị cấp huyện (6%) đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; 662/704 đơn vị cấp huyện (tỷ lệ 94%) đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Cả nước có 63/63 tỉnh thành đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 (100%) và hiện có 48/63 tỉnh đủ điều kiện, tiêu chuẩn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 (chiếm 76,2%), trong đó có 22 tỉnh đã được Bộ GD&ĐT kiểm tra, công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Tỷ lệ người đạt chuẩn biết chữ của cả nước năm 2023, độ tuổi từ 15-35 là 99,39% (mức độ 1) và 98,97% (mức độ 2); độ tuổi từ 15-60 là 98,85% (mức độ 1) và 97,29% (mức độ 2).

Tỷ lệ biết chữ các độ tuổi của 51 tỉnh thuộc chương trình mục tiêu quốc gia 1719 năm 2023, độ tuổi từ 15-35 là 99,24% (mức độ 1) và 98,73% (mức độ 2); độ tuổi 15-60 là 98,55% (mức độ 1) và 96,70% (mức độ 2).

Giải pháp duy trì, nâng cao hiệu quả công tác xóa mù chữ

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xóa mù chữ vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong đó có nhận thức của người dân về xóa mù chữ chưa đầy đủ. Hiệu quả công tác xóa mù chữ chưa cao, kết quả không bền vững, hiện tượng tái mù vẫn tiếp diễn, gia tăng. Số lượng người học lớp xóa mù chữ còn rất ít so với người mù chữ. Hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy học tập của một số xã miền núi còn khó khăn, thiếu thốn.

Địa bàn các huyện miền núi rộng, giao thông khó khăn, đồng bào DTTS sống phân tán, rải rác dọc biên giới Campuchia, Lào, Trung Quốc, chỗ ở không ổn định nên việc điều tra con số người mù chữ để mở lớp, vận động ra lớp và quản lý lớp học khó khăn. Công tác phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đoàn thể trong công tác xóa mù chữ chưa chặt chẽ, thường xuyên...

Thiếu tướng Văn Ngọc Quế - Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ đội biên phòng chia sẻ tham luận tại hội thảo. Ảnh: Hồ Lài.
Thiếu tướng Văn Ngọc Quế - Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ đội biên phòng chia sẻ tham luận tại hội thảo. Ảnh: Hồ Lài.

Tại hội thảo, các đại biểu từ nhiều địa phương tập trung nêu ý kiến về những vấn đề tồn tại, thách thức, cản trở việc học chữ của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trên cơ sở đó thảo luận về các giải pháp nâng cao chất lượng công tác xóa mù chữ phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của mỗi tỉnh. Hội thảo cũng tiếp nhận 60 tham luận của các tỉnh khu vực miền Trung – Tây Nguyên về đánh giá thực trạng công tác xóa mù chữ tại các địa phương trong thời gian qua. Đề xuất các giải pháp chính để nâng cao hiệu quả công tác xóa mù chữ giai đoạn 2023-2030.

Thiếu tướng Văn Ngọc Quế - Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ đội biên phòng chia sẻ tham luận Bộ đội biên phòng nâng cao chất lượng hiệu quả công tác phối hợp xóa mù chữ ở khu vực biên giới. Đại diện Cục C10 – Bộ Công an trao đổi về việc thực hiện công tác dạy văn hóa xóa mù chữ cho phạm nhân trong các trại giam, trại viên trong các cơ sở giáo dục bắt buộc và học sinh trường giáo dưỡng.

Ông Tô Chỉnh - giáo viên Trung tâm GDNN-GDTX huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ kinh nghiệm vận động người mù chữ, chưa đạt chuẩn biết chữ tham gia học lớp xóa mù chữ. Ảnh: Hồ Lài.
Ông Tô Chỉnh - giáo viên Trung tâm GDNN-GDTX huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ kinh nghiệm vận động người mù chữ, chưa đạt chuẩn biết chữ tham gia học lớp xóa mù chữ. Ảnh: Hồ Lài.

Tại hội thảo, các đại biểu là cán bộ quản lý giáo dục phụ trách mảng giáo dục thường xuyên, giáo viên tham gia dạy xóa mù chữ cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn. Đó là kinh nghiệm vận động người dân đến lớp xóa mù chữ; đổi mới công tác quản lý, tổ chức lớp học phù hợp với tập quán sinh hoạt bà con dân tộc thiểu số; duy trì, nâng cao hiệu quả công tác xóa mù chữ...

Chiều cùng ngày, hội thảo tập trung thảo luận nhóm về các giải pháp nâng cao chất lượng xóa mù chữ. Trong đó, các nhóm đã đưa ra nhiều giải pháp như nâng cao trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác xóa mù chữ. Đổi mới công tác quản lý, điều tra, vận động và tổ chức lớp xóa mù chữ. Củng cố kết quả biết chữ, hạn chế tình trạng tái mù chữ. Nâng cao chất lượng dạy học; bổ sung chế độ chính sách đối với người học, người dạy, người tham gia công tác xóa mù chữ. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác xóa mù chữ để huy động nhiều lực lượng hơn nữa tham gia như các đoàn thể xã hội, sinh viên tình nguyện... Tận dụng sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án trong và ngoài nước.

Về công tác phổ cập giáo dục – xóa mù chữ tại tỉnh Nghệ An, năm 2022 toàn tỉnh được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ em năm tuổi. Công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mức độ 3 và đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/22-tinh-duoc-bo-gddt-kiem-tra-cong-nhan-dat-chuan-xoa-mu-chu-muc-do-2-post660898.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/22-tinh-duoc-bo-gddt-kiem-tra-cong-nhan-dat-chuan-xoa-mu-chu-muc-do-2-post660898.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
22 tỉnh được Bộ GD&ĐT kiểm tra công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2