“Đến bây giờ, vợ chồng chúng tôi biết không thể nào tìm được thi thể của con nữa, biển cả bao la đã ôm ấp lấy con và các đồng đội. Được hy sinh vì nước, vì dân thì ở đâu cũng đáng tự hào, vô cùng vinh quang”.
Bà Nguyễn Thị Nhị, 82 tuổi, ở Nghệ An
Giờ đây khi vết thương lòng dần nguôi ngoai, người con gái cũng đã đi lấy chồng, trong ngôi nhà tình nghĩa được đơn vị cũ của chồng xây tặng, bà Ninh vẫn lặng lẽ chăm sóc người con trai đầu.
Hy vọng được ra Trường Sa một lần
Lá thư thứ 2 liệt sĩ Phan Huy Sơn viết vội về nhà vào ngày 10/3/1988, trước khi hy sinh
Trong sự nỗ lực bảo vệ chủ quyền khiến 64 chiến sĩ hy sinh, có đến 8 người quê ở Nghệ An. Mỗi lần nhắc đến người con trai Lê Bá Giang (SN 1968) đã hy sinh, lòng bà Nguyễn Thị Nhị (82 tuổi, ở phường Hưng Dũng, thành phố Vinh, Nghệ An) lại quặn lên.
Bà Nhị kể, bà sinh được 4 người con, 3 trai, 1 gái. Liệt sĩ Lê Bá Giang là con thứ hai. “Nó hiền lành, chăm chỉ, học giỏi. Ngoài giờ đi học, nó lăn ra đồng phụ mẹ...”, bà nói. Sau khi học xong lớp 10 (hệ 10/10), tháng 3/1987, Giang nhập ngũ. Sau ít tháng huấn luyện tại Quảng Ninh, Giang được nghỉ phép một tuần để về thăm gia đình. Đó cũng là lần cuối bà Nhị được nhìn thấy mặt cậu con trai.
Cuối năm 1987, gia đình nhận được tin nhắn Giang sẽ hành quân vào đơn vị ở Cam Ranh (Khánh Hòa), bằng tàu hỏa. Biết được con sẽ hành quân qua thành phố Vinh, ông bà rủ nhau mang vài chiếc bánh chưng còn nóng hôi hổi ra ga để đưa cho con. Dù tìm kiếm khắp nơi ông bà vẫn không thấy con ở đâu. Con tàu lăn bánh, ông bà trở về trong sự ngậm ngùi, nuối tiếc.
Chưa đầy một tháng sau, Giang hy sinh. “Hồi đấy, vợ chồng có nhận được một lá thư của con, đó là lúc Giang sắp cùng đơn vị hành quân ra Trường Sa. Nội dung bức thư rất ngắn gọn, dặn dò bố mẹ, các anh chị em giữ sức khỏe và hứa sẽ sớm trở về. Đó là lần đầu và cũng là lần cuối cùng Giang gửi thư về”, bà Nhị nói.
Năm 1990, bà Nhị nhận được giấy báo tử, chiếc ba lô đã theo Giang suốt những chặng đường hành quân. Trong chiếc ba lô nhỏ ấy, chiếc áo len bà đan cho con được gói cẩn thận. Bà chỉ biết ôm lấy chiếc áo mà khóc thương con nằm lạnh dưới đáy biển sâu. Mỗi ngày trôi qua, bà vẫn hy vọng được ra Trường Sa một lần. Ra đó, bà sẽ đứng trên tàu thả xuống cho con cái bánh chưng hương vị ngày tết, cái bánh chưng đã lỡ hẹn với Giang trên đường hành quân cách đây hơn 35 năm…