Không phải thói quen “healthy” nào cũng thực sự tốt. Một vài lựa chọn sai cách có thể khiến bạn già đi nhanh hơn tuổi thật.
Sống lành mạnh, ăn uống khoa học và chăm tập thể dục từ lâu đã được xem là “chìa khóa” giúp cơ thể khỏe mạnh và trẻ lâu. Tuy nhiên, không ít người đang mắc phải những sai lầm phổ biến, tưởng chừng vô hại nhưng lại vô tình đẩy nhanh quá trình lão hóa.
Dưới đây là 4 thói quen tưởng tốt nhưng thực chất có thể khiến bạn già đi nhanh hơn nếu không điều chỉnh đúng cách.
1. Uống quá nhiều nước ép trái cây
Trái cây là nguồn cung cấp vitamin và chất chống oxy hóa quan trọng. Tuy nhiên, khi bạn ép lấy nước mà bỏ đi phần xơ, cũng đồng nghĩa với việc loại bỏ chất giúp làm chậm hấp thu đường vào máu. Khi uống nước ép nguyên chất, cơ thể dễ hấp thụ một lượng lớn đường đơn, khiến đường huyết tăng nhanh rồi tụt xuống đột ngột, gây cảm giác mệt mỏi, dễ cáu gắt và tăng cảm giác thèm ăn.
Hơn nữa, nước ép không tạo cảm giác no lâu, dễ dẫn đến ăn quá mức và tăng cân, yếu tố có liên quan trực tiếp đến lão hóa sớm. Để khắc phục, bạn nên ưu tiên ăn trái cây nguyên quả để giữ lại chất xơ, hoặc nếu muốn uống nước ép thì hãy giữ lại phần xác xơ và kết hợp thêm một chút chất béo lành mạnh như hạt chia, sữa hạt để làm chậm hấp thu đường.
2. Tránh nắng tuyệt đối
Việc che chắn kỹ và bôi kem chống nắng thường xuyên là cần thiết để bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV. Tuy nhiên, nếu tránh nắng hoàn toàn, cơ thể có thể thiếu hụt vitamin D, một dưỡng chất thiết yếu cho sức khỏe xương, hệ miễn dịch và đặc biệt là “tuổi thọ” của tế bào.
Thiếu vitamin D có thể dẫn đến rối loạn chuyển hóa, làm rút ngắn telomere, dấu hiệu quan trọng của sự lão hóa sinh học. Giải pháp là nên tiếp xúc ánh nắng nhẹ vào sáng sớm hoặc chiều muộn trong khoảng 10-15 phút mỗi ngày, đồng thời bổ sung vitamin D từ thực phẩm như cá béo, trứng, sữa hoặc theo chỉ định của bác sĩ nếu sống ở khu vực ít nắng.
3. Lạm dụng thực phẩm chức năng
Không ít người cho rằng chỉ cần uống đầy đủ các loại vitamin, collagen, viên bổ gan là có thể duy trì sức khỏe và làm chậm quá trình lão hóa. Tuy nhiên, việc sử dụng thực phẩm chức năng không đúng cách hoặc quá liều có thể gây áp lực lớn lên gan, cơ quan giải độc chính của cơ thể. Lâu dần, gan hoạt động kém hiệu quả, dẫn đến tích tụ độc tố trong máu và làm tổn hại làn da, hệ miễn dịch.
Vì thế, hãy ưu tiên chế độ ăn cân bằng với thực phẩm tươi, đầy đủ dưỡng chất. Thực phẩm chức năng chỉ nên được sử dụng khi thật sự cần thiết và có sự tư vấn từ chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ.
4. Tập luyện sai cách
Tập thể dục giúp cải thiện sức khỏe và làm chậm lão hóa, nhưng nếu chỉ tập trung vào các bài cardio mà bỏ qua luyện tập sức mạnh, cơ thể dễ rơi vào trạng thái mất cơ, đặc biệt sau tuổi 30 khi khối lượng cơ bắt đầu giảm tự nhiên.
Mất cơ không chỉ khiến vóc dáng thiếu săn chắc mà còn làm chậm quá trình trao đổi chất, ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng kiểm soát cân nặng và sức khỏe tổng thể. Để khắc phục, bạn nên kết hợp các bài tập sức mạnh như nâng tạ nhẹ, plank hoặc bài tập trọng lượng cơ thể (bodyweight) từ 2–3 lần mỗi tuần. Một chế độ ăn giàu protein cũng giúp duy trì khối cơ và hỗ trợ phục hồi hiệu quả sau khi vận động.
Không phải thói quen nào nghe “healthy” cũng thực sự có lợi nếu thiếu hiểu biết và áp dụng sai cách. Sống khỏe và trẻ lâu là một hành trình cần sự quan sát, điều chỉnh phù hợp với cơ thể. Ăn uống tự nhiên, vận động hợp lý và giữ tinh thần tích cực chính là nền tảng quan trọng để gìn giữ vẻ ngoài tươi trẻ và sức khỏe bền lâu từ bên trong.