TP.HCM là cụm thi có nhiều địa điểm thi nhất với 16 địa điểm. Ảnh: Việt Linh. |
Theo đó thông báo, 47 cụm thi trải dài ở 21 tỉnh, thành phố trong cả nước, bao gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đắk Lắk, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Lâm Đồng, Tiền Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long.
Trong đó, TP.HCM là cụm thi có nhiều địa điểm thi nhất với 16 địa điểm. Tiếp đó là Đồng Nai với 4 địa điểm thi, Bình Dương có 3 điểm thi. Đa số các tỉnh thành đều có 1-2 điểm thi. Cụ thể như sau:
Các điểm thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức. Ảnh: ĐH Quốc gia TP.HCM. |
Kết thúc đăng ký dự thi đợt 1, ĐH Quốc gia TP.HCM ghi nhận có gần 91.500 thí sinh đăng ký, nhiều hơn gần 10.000 thí sinh so với năm 2022.
Theo kế hoạch, thí sinh dự thi đợt 1 vào ngày 26/3 tới, kết quả thi được công bố vào ngày 4/4. Sau đó, cổng đăng ký của ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ tiếp tục mở cho thí sinh thi đợt 2 vào ngày 28/5.
Bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM được xây dựng theo cùng cách tiếp cận các bài thi đánh giá năng lực phổ biến trên thế giới như SAT (Scholastic Assessment Test) của Mỹ và bài thi TSA (Thinking Skills Assessment) của Anh.
Cấu trúc đề thi gồm 16 trang, 120 câu hỏi trắc nghiệm, thời gian làm bài 150 phút, tính theo thang điểm 1.200. Ba phần thi gồm: Sử dụng ngôn ngữ; Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu; Giải quyết vấn đề.
Trong đó, điểm tối đa phần Sử dụng ngôn ngữ là 400 điểm; phần Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu là 300 điểm; phần Giải quyết vấn đề là 500 điểm.
Năm 2023, gần 90 trường đại học, cao đẳng trên cả nước sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM để xét tuyển sinh đầu vào.