5 cách giúp trẻ vượt qua khủng hoảng của đại dịch Covid-19

Khánh Phương | 18/02/2022, 08:16
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đại dịch Covid-19 đã khiến cuộc sống gia đình trên khắp thế giới bị xáo trộn.

Cha mẹ cần giúp trẻ lập kế hoạch cụ thể (hình minh họa).Cha mẹ cần giúp trẻ lập kế hoạch cụ thể (hình minh họa).

Trường học đóng cửa, làm việc từ xa… gây khá rắc rối cho cả học sinh và phụ huynh. Robert Jenkins, Giám đốc Giáo dục Toàn cầu của UNICEF, đưa ra một số mẹo say đây để giúp con cái đi học đúng hướng khi chúng ở nhà.

Lên kế hoạch

Cha mẹ hoặc người lớn cần giúp trẻ thiết lập một thói quen mới dựa vào các chương trình giáo dục phù hợp với lứa tuổi con em mình. Đồng thời để yên tâm, cha mẹ có thể theo dõi trực tuyến con em mình học tập ra sao.

Bên cạnh đó, không nên phó mặc cho con vào việc học trực tuyến và yên tâm đã có thầy cô giáo. Cha mẹ cần giúp con vạch thời gian biểu và tính đến cả thời gian chơi và thời gian học cụ thể.

Và đừng quên cùng nhau đưa ra những kế hoạch mới, thay đổi có thể sẽ phải liên tục thích ứng. Việc làm này hơi phiền phức nhưng chúng ta không có cách nào khác là phải thay đổi để thích ứng.

Mặc dù việc thiết lập một thói quen là cực kỳ quan trọng đối với trẻ em và ngay cả cha mẹ nhưng trong những thời điểm này, bạn cần sự linh hoạt để giúp con nhanh nhạy với những áp lực cuộc sống sau này, đừng để chúng thụ động. Chuyển đổi các hoạt động của con nếu thấy lịch trình ấy chưa phù hợp và gây ra những bất cập.

Bạn có thể nhận thấy bất cập này nếu con trẻ có vẻ bồn chồn và kích động hoặc phản ứng tiêu cực. Đừng vội lo lắng bởi chúng chưa thể thích nghi ngay lập tức. Những gì cần làm là kiên nhẫn, giúp chúng cũng như giúp chính bản thân làm quen với bình thường mới. Chỉ cho chúng thấy tác hại của dịch bệnh và đây là vấn đề mà toàn cầu đang phải gánh chịu, trẻ em trên toàn cầu đang phải thực hiện như những gì con em ta đang trải qua.

Trong kế hoạch này, cha mẹ đừng quên cài vào đó chương trình hoạt động thể chất, tập thể dục hoặc tham gia hoạt động lao động nhẹ nhàng trong chính ngôi nhà như tưới cây, dọn phòng… Bạn cần khuyến khích trẻ tham gia tích cực bởi trẻ rất cần hoạt động thể chất để phát triển cân bằng.

Trò chuyện cởi mở

Khuyến khích con bạn đặt câu hỏi và bày tỏ cảm xúc của chúng với cha mẹ. Hãy nhớ rằng con bạn có thể có những phản ứng khác nhau, thậm chí cãi vã hoặc căng thẳng, vì vậy lúc này cha mẹ cần là hãy kiên nhẫn và thông cảm.

Bắt đầu bằng cách mời con bạn nói trước về ý nguyện cũng như khó khăn của chúng. Tìm hiểu xem vấn đề khó khăn ấy xuất phát từ đâu. Thảo luận về giải pháp. Bạn có thể sử dụng những khoảnh khắc hàng ngày để trò chuyện thân mật, chứ không nhất thiết phải nghiêm túc để làm cho trẻ tin tưởng và mở lòng hơn.

Cố gắng không được áp đặt. Hãy ghi nhận cảm xúc của con và đảm bảo với con không phải sợ hãi về những điều chúng nêu ra. Phải chứng tỏ rằng bạn đang lắng nghe và tôn trọng ý kiến của con. Sau đó nếu không tự mình giải quyết được thì cần tham khảo ý kiến của các thầy cô giáo của con để tìm hiểu xem các bạn của con có những phản ứng có tương tự như vậy không.

Sau đó có thể lập hội phụ huynh và thường xuyên trao đổi, tháo gỡ cho nhau bằng những giải pháp tích cực. Cha mẹ cũng có thể tìm cách kết nối với các bạn trong lớp để tìm hiểu phản ứng của chúng và qua đó có thể tìm được giải pháp hữu hiệu. Nếu căng thẳng hơn nữa thì có thể nhờ cậy chuyên gia tâm lý.

Hãy dành thời gian cho con trẻ

Bắt đầu với các buổi nói chuyện ngắn và kéo dài dần dần. Ban đầu có thể là 10 phút và sau đó nâng lên mục tiêu là 30-45 phút. Trong buổi nói chuyện, hãy kết hợp các câu chuyện tích cực, vui vẻ, thậm chí cùng nhau vui chơi tham gia các hoạt động thể chất. Chơi trốn tìm với chúng hoặc nhảy múa...

Tránh rủi ro của nền tảng kỹ thuật số

Các nền tảng kỹ thuật số tạo cơ hội cho trẻ em tiếp tục học hỏi, tham gia vui chơi và giữ liên lạc với bạn bè của chúng. Tuy nhiên, việc tăng cường truy cập trực tuyến mang lại những rủi ro cao về sự lệch lạc.

Để tránh rủi ro, cần thảo luận về Internet với con bạn để chúng biết những điều chúng cần lưu ý và hành vi phù hợp với lứa tuổi, tránh vào những trang web không phù hợp.

Cùng nhau thiết lập các quy tắc về cách thức, thời gian và vị trí có thể sử dụng Internet. Thiết lập kiểm soát của phụ huynh trên thiết bị giám sát để giảm thiểu rủi ro trực tuyến, đặc biệt là đối với lứa tuổi teen.

Trong trường hợp kẻ xấu lợi dụng trên mạng hoặc sự cố có nội dung không phù hợp trực tuyến, hãy chặn các trang web không phù hợp và luôn có sẵn số đường dây nóng trợ giúp từ an ninh mạng và quản trị mạng.

Giữ liên lạc với cơ sở giáo dục của con bạn

Tìm hiểu cách giữ liên lạc với giáo viên hoặc trường học của con bạn để cập nhật thông tin, đặt câu hỏi và nhận thêm hướng dẫn. Các nhóm phụ huynh hoặc nhóm cộng đồng cũng có thể là một cách tốt để hỗ trợ lẫn nhau trong việc học ở nhà của bạn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
5 cách giúp trẻ vượt qua khủng hoảng của đại dịch Covid-19