Quy hoạch

5 điểm nổi bật trong quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030

Hải Quân 10/05/2024 09:05

Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh được quy hoạch lên thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025. Cùng điểm qua những điểm nổi bật về quy hoạch tỉnh này thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

Dự kiến lên thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025

Theo Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2025, tỉnh này trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2030 là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam; một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu...

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 9 - 10%/năm, trong đó nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,5 - 4%/năm; công nghiệp xây dựng 10 - 11%/năm; dịch vụ 11,5 - 12,5%/năm;

Về cơ cấu kinh tế, nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 5 - 7%; công nghiệp xây dựng chiếm khoảng 33 - 35%; dịch vụ chiếm khoảng 54 - 56% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 7 - 8%. GRDP bình quân đầu người đạt 6.000 USD.

Theo tìm hiểu của người viết, dân số của tỉnh Thừa Thiên Huế theo cập nhật mới nhất là 1,1 triệu người. Tỉnh có 9 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc, bao gồm một thành phố, hai thị xã, 6 huyện với 141 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 95 xã, 39 phường, 7 thị trấn.

Một góc TP Huế hiện nay. (Báo Chính phủ).

Tách TP Huế thành hai quận, đưa Phong Điền lên thị xã

Về phương án quy hoạch hệ thống đô thị, không gian đô thị thành phố trực thuộc Trung ương được xác định là tập hợp đô thị di sản văn hóa và cảnh quan thiên nhiên có liên quan mật thiết với Cố đô Huế (như núi Kim Phụng, núi Duệ Sơn, Làng Cổ Phước Tích, Phá Tam Giang, đầm Cầu Hai, núi Bạch Mã, Hải Vân Quan, cửa biển Tư Hiền,...).

Đến năm 2025, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với 9 đơn vị hành chính gồm hai quận (trong đó TP Huế chia thành quận phía Bắc sông Hương và quận phía Nam sông Hương), ba thị xã (TX Hương Thủy, TX Hương Trà và thành lập TX Phong Điền) và 4 huyện (Phú Vang, Quảng Điền, A Lưới và dự kiến sáp nhập huyện Phú Lộc với huyện Nam Đông).

Trong đó TX Phong Điền Hương Thủy và Hương Trà là các đô thị trực thuộc có vai trò để bảo tồn, hỗ trợ đô thị trung tâm, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể, phi vật thể.

Đến năm 2030, TP Thừa Thiên Huế trực thuộc trung ương với 9 đơn vị hành chính gồm ba quận (quận phía Bắc sông Hương, quận phía Nam sông Hương, quận Hương Thủy), hai thị xã (Hương Trà, Phong Điền) và 4 huyện (Phú Vang, Quảng Điền, A Lưới, huyện Phú Lộc - Nam Đông).

Cùng với đó, đầu tư xây dựng đô thị Chân Mây (gồm Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và phần mở rộng) đạt tiêu chí đô thị loại III để phát triển kinh tế.

Tầm nhìn đến năm 2050, Thừa Thiên Huế - thành phố trực thuộc Trung ương với mô hình đô thị trung tâm gồm 4 quận (quận phía Bắc sông Hương, quận phía Nam sông Hương, quận Hương Thủy, quận Hương Trà); một thành phố (Chân Mây); các thị xã và các huyện.

Lúc này tỉnh sẽ tập trung xây dựng TP Chân Mây trở thành đô thị thông minh, hiện đại theo mô hình thành phố trong thành phố gắn với khu kinh tế biển, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội sau năm 2030.

Một góc Phong Điền hiện nay. (Ảnh: HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế).

Ba trung tâm đô thị và ba hành lang kinh tế theo các trục giao thông lớn

Theo Quy hoạch trên, đến năm 2030, Thừa Thiên Huế có ba đô thị trung tâm gồm TP Huế (được chia thành hai quận là quận phía Bắc sông Hương, quận phía Nam sông Hương), quận Hương Thủy, TX Hương Trà.

Trong đó, quận phía Bắc sông Hương, quận phía Nam sông Hươnglà trung tâm vùng, là đô thị di sản, giữ vai trò động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Trung tâm hành chính chính trị. Quận Hương Thủy phát triển đô thị sân bay gắn với cảng hàng không quốc tế Phú Bài, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp động lực. TX Hương Trà là đô thị vệ tinh.

Đô thị vùng Tây Bắc bao gồm TX Phong Điền - Quảng Điền - A Lưới, trong đó khu vực đô thị trung tâm là đô thị Phong Điền gắn với cảng Điền Lộc, khu công nghiệp Phong Điền phát triển đô thị công nghiệp là động lực phía bắc của tỉnh; là cửa ngõ phía Bắc kết nối với các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình và các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong;

Đô thị vùng Đông Nam bao gồm huyện Phú Vang, huyện Phú Lộc, huyện Nam Đông, trong đó phát triển khu vực Chân Mây trở thành đô thị loại III - một thành phố thông minh, hiện đại gắn với Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô tạo động lực phát triển đột phá của vùng, cửa ngõ phía Nam kết nối với Đà Nẵng, cửa ngõ ra biển các nước thuộc hành lang kinh tế Đông - Tây.

Ba hành lang kinh tế dựa theo các trục giao thông lớn bao gồm hành lang kinh tế Bắc - Nam gắn với quốc lộ 1 là trục chính, cao tốc Bắc Nam (Cam Lộ - La Sơn - Túy Loan), quốc lộ 49B và đường ven biển gắn với hành lang kinh tế ven biển.

Hành lang kinh tế Đông - Tây kết nối liên thông ba cụm Cảng biển phía Đông (gồm Chân Mây, Thuận An, Phong Điền) với hai cặp cửa khẩu biên giới Việt Lào ở phía Tây (gồm A Đớt/Tà Vàng và Hồng Vân/Cô Tài) thông qua các quốc lộ (49, 49D, 49E, 49F).

Gắn đường Hồ Chí Minh (kết nối các tỉnh vùng động lực miền Trung và Tây Nguyên) kết nối các nước Lào, Myanma, Thái Lan. Trong đó, ưu tiên đầu tư đường 71 từ cảng Phong Điền đến Cửa khẩu Hồng Vân thông qua quốc lộ 49F.

Hành lang kinh tế đô thị hướng biển và thúc đẩy liên kết vùng với Quảng Trị và TP Đà Nẵng, trục chính là đường ven biển, phát triển các tuyến đường tỉnh, các tuyến giao thông (tàu điện, đường sắt tốc độ cao) hướng đô thị biển; kết nối TP Huế, TX Hương Thủy, Hương Trà và các đô thị ven biển.

Có khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô hơn 27.000 ha

Là một trong ba trung tâm động lực tăng trưởng của tỉnh Thừa Thiên Huế theo quy hoạch, khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô có diện tích khoảng 27.108 ha, với 5 khu chức năng chính gồm khu cảng, khu công nghiệp, khu phi thuế quan, khu đô thị và khu du lịch.

Ranh giới nghiên cứu quy hoạch bao gồm thị trấn Lăng Cô và các xã Lộc Thủy, Lộc Tiên, Lộc Vĩnh thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Dân số là 41.800 người theo số liệu thống kê năm 2021.

Mục tiêu quy hoạch là phát triển Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô thành trung tâm phát triển du lịch, dịch vụ, đô thị công nghiệp, cảng và trung tâm logistics; gắn kết phát triển kinh tế với chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu; trở thành khu vực kinh tế động lực của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và tỉnh Thừa Thiên Huế.

Về tính chất, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô sẽ là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là phát triển du lịch, dịch vụ, đô thị, công nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, trung tâm logistics gắn liền với việc xây dựng và khai thác có hiệu quả cảng biển nước sâu Chân Mây.

Bên cạnh đó, Khu kinh tế cũng là một trong những trung tâm giao thương quốc tế; là đầu mối về giao thông vận tải, cửa ngõ giao lưu trao đổi hàng hóa; trung tâm dịch vụ du lịch và vui chơi giải trí; khu vực phát triển đô thị thông minh bền vững; khu vực phát triển hài hòa các mục tiêu kinh tế, văn hóa, môi trường và an ninh quốc phòng…

Dự báo dân số Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đến năm 2035 là khoảng 120.000 - 150.000 người; đến năm 2045 là khoảng 180.000 - 200.000 người. Quy mô đất xây dựng khoảng 6.500 - 8.000 ha vào năm 2035 và tăng lên khoảng 10.000 - 12.500 ha vào năm 2045.

Theo tìm hiểu của người viết, đến nay, Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô có 57 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 87.000 tỷ đồng; trong đó có 28 dự án đã hoàn thành đưa vào hoạt động, giải quyết việc làm cho khoảng 4.700 lao động, doanh thu hàng năm khoảng gần 4.000 tỷ đồng.

Một góc khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. (Ảnh: Báo Đầu tư).

Có tuyến đường sắt mới dài 100 km kết nối với TP Đà Nẵng

Về hạ tầng giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh này có hai phân đoạn cao tốc thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua bao gồm Cam Lộ - La Sơn và La Sơn - Hòa Liên.

Theo đó, tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn có điểm đầu tại Km 0+00 trùng với Km 10+380 quốc lộ thuộc địa phận xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị; điểm cuối tại Km 102+200 kết nối dự án La Sơn - Túy Loan thuộc địa phận xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Giai đoạn đầu khai thác, tuyến đường có 2 làn xe với mặt cắt ngang rộng 12 m, bề rộng nền 23 m, các đoạn vượt xe có quy mô 4 làn xe. Giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến sẽ có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 23 m. Tuyến cao tốc qua TP Huế chạy song song với tuyến đường tránh thành phố.

Liên quan đến tuyến cao tốc này, từ thực tế khai thác các cao tốc đầu tư hai làn xe và vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng vừa qua đã giao các đơn vị khẩn trương kiểm tra, rà soát toàn bộ tuyến đường, khắc phục ngay những bất cập, báo cáo Bộ phương án tổ chức giao thông theo hướng tối ưu với điều kiện hạ tầng hiện có.

Bộ trưởng bộ Giao thông cũng yêu cầu các đơn vị triển khai nhanh nhất công tác chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2 mở rộng tuyến cao tốc để báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt, bố trí vốn triển khai.

Được biết, từ cuối năm 2019, Bộ GTVT đã có quyết định giao Ban QLDA đường Hồ Chí Minh nghiên cứu đầu tư mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn từ hai lên 4 làn xe.

Cao tốc Cam Lộ - La Sơn. (Ảnh: Báo Đầu tư).

Tuyến cao tốc La Sơn - Hòa Liên có điểm đầu (La Sơn) tại Km0, kết nối với điểm cuối của tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn, thuộc địa phận thị trấn La Sơn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Điểm cuối (Hoà Liên) tại khoảng Km66, nút giao Hoà Liên kết nối với điểm đầu tuyến Hòa Liên - Túy Loan, thuộc địa phận xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng, với tổng chiều dài khoảng 65 km.

Đối với tuyến cao tốc này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa qua cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án mở rộng tuyến cao tốc này. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 3.011 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Theo Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, dự án sẽ mở rộng mặt đường và các công trình cầu theo quy mô phân kỳ cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh, nền đường rộng 22 m. Công trình dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

Cao tốc La Sơn - Hòa Liên hiện nay. (Ảnh: Báo Đảng Cộng sản Việt Nam).

Bên cạnh hai tuyến cao tốc này, theo quy hoạch, hệ thống đường sắt quốc gia qua địa bàn tỉnh bao gồm đường sắt Hà Nội - TP HCM, đoạn qua Thừa Thiên Huế dài khoảng 100 km, khổ đường 1.000 mm.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đoạn qua Thừa Thiên Huế dài 105, khổ đường rộng 1.435 mm và đường sắt kết nối cảng Chân Mây với hệ thống đường sắt quốc gia dài 10 km, khổ đường 1.000/1.435 mm.

Đối với hệ thống đường sắt đô thị, tỉnh này còn quy hoạch tuyến đường sắt du lịch Huế - Đà Nẵng, hướng tuyến song song với đoạn tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM, với tổng chiều dài của tuyến khoảng 100 km, khổ đường 1.000/1.435 mm.

Cùng với đó, tuyến số 01 nối Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài với khu vực trung tâm đô thị hiện hữu theo hướng đường Tố Hữu nối dài, tổng chiều dài khoảng 15 km, khổ đường 1.435 mm.

Tuyến số 02 nối khu vực ga Huế (đường sắt tốc độ cao) kết nối trung tâm quận Hương Trà - đô thị Phong Điền theo hướng đường vành đai 2 phía Đông, tổng chiều dài khoảng 30 km, khổ đường 1.435 mm.

Tuyến số 03 nối trung tâm quận Hương Trà - trung tâm đô thị hiện hữu với khu vực ven biển Thuận An theo hướng đường vành đai 2 phía Tây và Tây Nam tổng chiều dài khoảng 30 km, khổ đường rộng 1.435 mm.

Theo vietnammoi.vn
https://vietnammoi.vn/5-diem-noi-bat-trong-quy-hoach-tinh-thua-thien-hue-thoi-ky-2021-2030-202458112045840.htm
Copy Link
https://vietnammoi.vn/5-diem-noi-bat-trong-quy-hoach-tinh-thua-thien-hue-thoi-ky-2021-2030-202458112045840.htm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
5 điểm nổi bật trong quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030