TP Vũng Tàu được quy hoạch là trung tâm kinh tế, văn hóa và đầu mối giao lưu của vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Cùng điểm qua những thông tin quy hoạch nổi bật tại địa phương này.
Vũng Tàu là một thành phố thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là trung tâm kinh tế, tài chính, văn hóa, du lịch, và là một trong những trung tâm kinh tế của tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
TP Vũng Tàu có 17 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 16 phường: 1, 2, 3, 4, 5, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam, Nguyễn An Ninh, Rạch Dừa và xã Long Sơn. Dân số theo cập nhật mới nhất là 530.025 người.
Theo Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển, trở thành một trong những khu vực động lực quan trọng của Vùng Đông Nam Bộ.
Đây còn là trung tâm kinh tế biển quốc gia và nằm trong nhóm 5 địa phương phát triển kinh tế biển hàng đầu của cả nước, đến năm 2030 cơ bản đủ tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương, cơ cấu đô thị đa trung tâm.
Cùng tiến trình lên thành phố trực thuộc Trung ương của tỉnh, TP Vũng Tàu nằm trong khu vực dự kiến thành lập thành phố đạt tiêu chí của đô thị loại I trực thuộc Trung ương, được xác lập trên cơ sở các khu vực phát triển đô thị bao gồm Vũng Tàu, Bà Rịa, Phú Mỹ, Long Điền, Long Hải.
Theo Quy hoạch chung TP Vũng Tàu đến năm 2035, về dân số, đến năm 2025, dân số TP Vũng Tàu khoảng 500.000 - 520.000 người. Đến năm 2035, dân số thành phố khoảng 620.000 - 650.000 người.
Đối với quy mô đất đai, đến năm 2025, đất xây dựng đô thị khoảng 7.500 - 8.000 ha. Trong đó, đất dân dụng khoảng 3.900 - 4.100 ha (85 - 90 m2/người), đất ngoài dân dụng khoảng 3.600 - 3.900 ha.
Đến năm 2035, đất xây dựng khoảng 10.000 - 11.000 ha. Trong đó, đất dân dụng khoảng 5.500 - 5.900 ha (85 - 90 m2/người), đất ngoài dân dụng khoảng 4.500 - 5.100 ha.
Cùng với đó, thành phố còn được phát triển theo mô hình tuyến dọc hướng đông bắc - tây nam và hai trung tâm tại Gò Găng và Long Sơn, với các chức năng chính gồm công nghiệp - đô thị - du lịch.
TP Vũng Tàu nằm trong hai vùng chức năng kinh tế - xã hội của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tau bao gồm vùng chức năng công nghiệp - cảng biển nằm ở phía tây - tây nam và tây bắc của tỉnh, bao gồm toàn bộ địa giới hành chính thị xã Phú Mỹ, TP Bà Rịa, khu vực phía Tây của huyện Châu Đức và phía tây - tây nam của TP Vũng Tàu.
Đây còn là vùng tập trung phát triển công nghiệp, cảng biển và phát triển đô thị với động lực kinh tế chủ yếu là dịch vụ phục vụ công nghiệp và cảng biển, dịch vụ đa ngành; liên kết hiệu quả với vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang Vành đai 3, Vành đai 4 TP HCM và các tuyến cao tốc của Vùng Đông Nam Bộ.
Vùng chức năng du lịch và đô thị biển nằm ở phía Đông Nam của tỉnh, từ dọc QL 55 và phía đông nam QL 51 đến khu vực ven biển dọc đường tỉnh ĐT994 thuộc địa giới hành chính bao gồm TP Vũng Tàu, các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc.
Chức năng chủ yếu phát triển du lịch, các dịch vụ phục vụ du lịch; các hoạt động sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng, khai thác thủy sản trong vùng định hướng phát triển phục vụ du lịch.
Ba trục kinh tế qua TP Vũng tàu bao gồm trục kinh tế động lực công nghiệp - Cảng biển Cái Mép - Thị Vải gắn với hệ thống giao thông liên cảng và QL 51, tập trung phát triển hệ thống cảng biển loại đặc biệt quốc gia, chức năng cảng cửa ngõ, trung chuyển quốc tế. Hình thành trung tâm logistics cấp quốc gia, quốc tế.
Trục kinh tế động lực công nghiệp - logistics dọc cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường Vành đai 4 TP HCM, phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ - đô thị tại thành phố mới Phú Mỹ; phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao, đô thị dịch vụ mới tại Cù Bị và Suối Nghệ (huyện Châu Đức); khu logistics dọc đường Vành đai 4 TP HCM.
Trục kinh tế động lực du lịch ven biển dọc đường tỉnh ĐT 994 và đường nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu với hệ thống các đô thị du lịch ven biển: Vũng Tàu, Long Hải, Phước Hải, Hồ Tràm, Bình Châu, các khu du lịch phức hợp khai thác tài nguyên biển, rừng; phát triển chuỗi sản phẩm về du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển, du lịch thể thao - giải trí.
Theo Quy hoạch, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ quy hoạch thêm hai sân bay chuyên dùng, trong đó có sân bay Gò Găng thay thế sân bay Vũng Tàu hiện nay để chuyển sang mục đích phát triển thương mại dịch vụ. Sân bay Gò Găng nằm tại xã Long Sơn, TP Vũng Tàu.
Theo đó, quy mô sân bay trực thăng cấp III, sân bay quân sự cấp II khi có nhu cầu và sân bay dân dụng cấp 3C (ICAO) trong tương lai.
Tổng diện tích toàn sân bay khoảng 248,5 ha; trong đó diện tích khu Tổng Công ty trực thăng Việt Nam quản lý 91 ha, diện tích đất khu bay dùng chung 75 ha, diện tích khu hàng không chung 20 ha và diện tích khu dịch vụ phát triển hàng không 62,25 ha.
Dự kiến tổng mức đầu tư xây dựng hoàn chỉnh sân bay Gò Găng hơn 9.005 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 1.258 tỷ đồng.
Bên cạnh sân bay, TP Vũng Tàu còn được quy hoạch thêm tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu có chiều dài khoảng 84 km. Điểm đầu tại ga Trảng Bom, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, điểm cuối tại Cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải. Quy mô đề xuất thực hiện khổ 1.435 mm.
Trong đó, đoạn Biên Hòa - Thị Vải đường đôi, đoạn Thị Vải - Vũng Tàu đường đơn. Tổng mức đầu tư khoảng 50.822 tỷ đồng, theo phương thức PPP.
Tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu là một trong những tuyến đường sắt đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đây là tuyến đường sắt được đầu tư xây dựng để hướng đến mục tiêu kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành với cụm cảng biển Cái Mép - Thị Vải. Về hướng tuyến, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu cơ bản sẽ đi chung hành lang an toàn với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu hiện đang được thi công xây dựng, có tổng chiều dài gần 54 km, đi qua địa bàn hai tỉnh: Đồng Nai (hơn 34 km); Bà Rịa - Vũng Tàu (khoảng 19,5 km).
Giai đoạn 1, dự án được đầu tư theo quy mô đường cao tốc, từ 4 - 6 làn xe (tùy từng đoạn), vận tốc thiết kế 100km/h. Sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 17.800 tỷ đồng.
Dự án được chia thành ba dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 1 dài 16km, tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng do UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan chủ quản. Dự án thành phần 2 dài hơn 18 km, tổng mức đầu tư được duyệt hơn 6.850 tỷ đồng do Bộ GTVT là cơ quan chủ quản.
Dự án thành phần 3 dài khoảng 19,5 km, tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan chủ quản.
Bên cạnh tuyến cao tốc này, TP Vũng Tàu còn được hưởng lợi bởi tuyến Vành đai 4 TP HCM, với chiều dài hơn 206 km. Trong đó đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 18 km; qua Đồng Nai 45,6 km; qua Bình Dương 47,4 km; TP HCM 17,3 km và Long An 78 km. Tổng mức đầu tư toàn bộ dự án khoảng 105.964 tỷ đồng.
Đối với đoạn đi qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến sẽ được đầu tư quy mô 4 làn xe theo chuẩn cao tốc, vận tốc thiết kế 100 km/h.
Về hình thức đầu tư, tỉnh này đề xuất hai phương án. Phương án 1 là dự án có nền đường 25,5 m với tổng mức đầu tư khoảng hơn 7.972 tỷ đồng. Phương án 2 là dự án có nền đường 27 m, với tổng mức đầu tư khoảng 8.100 tỷ đồng.
Nếu được chấp thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến sẽ hoàn thành các bước chuẩn bị đầu tư trong năm nay. Năm 2025 tiến hành lựa chọn nhà thầu và tổ chức thi công, hoàn thành trong quý IV/2027.
Tại TP Vũng Tàu, dự án đầu tiên phải kể đến là Dự án chỉnh trang trục đường Thùy Vân, khu vực quy hoạch dự án có diện tích 77,9 ha. Khu vực quy hoạch có tính chất là khu du lịch, dịch vụ, thương mại, ở, công viên công cộng và bãi biển với quy mô dân số khoảng 3.600 người.
Theo đó, có ba khu chức năng gồm khu vực phía trong đường Thùy Vân (khu đô thị phía trong bờ) rộng khoảng 41,6 ha; đường Thùy Vân rộng khoảng 11,9 ha và khu phía ngoài đường Thùy Vân (khu vực ven biển phía trước Bãi Sau) rộng khoảng 24,37 ha. Mật độ xây dựng toàn khu là 21%. Tầng hầm từ 1-5 tầng, tầng cao xây dựng tối thiểu là 1 tầng và tối đa 50 tầng.
Đối với khu vực ven biển phía trước Bãi Sau được quy hoạch có tính chất là công viên công cộng và bãi biển trên chiều dài 3,2 km với mật độ xây dựng tối đa là 2% được chia thành các không gian chức năng gồm khu vực công viên cây xanh; các không gian mở...
Một dự án khác được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư là khu dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng chất lượng cao. Dự án này có quy mô hơn 13,8 ha, bao gồm các hạng mục công trình khách sạn, trung tâm thương mại đẳng cấp đạt tiêu chuẩn 5 sao trở lên. Tổng mức đầu tư 10.716 tỷ đồng.
Địa điểm thực hiện dự án ở phường 2, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (khu vực Mũi Nghinh Phong). Tiến độ thực hiện dự án là 72 tháng, thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm, đều tính từ ngày có Quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất.
Bên cạnh đó, hồi cuối tháng 3, Sở Kế hoạch và Đầu tư Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản báo cáo liên quan đến dự án Khu du lịch nghỉ mát giải trí đa năng Saigon Atlantis Hotel tại TP Vũng Tàu của Công ty TNHH Winvest Investment (Việt Nam).
Theo đó, Sở đề xuất gia hạn thời gian xử lý dự án trong quý II/2024 do tính chất dự án FDI có quy mô lớn, việc xử lý cần được xem xét kỹ lưỡng và đánh giá toàn diện để đảm bảo tính pháp lý chặt chẽ, tránh khiếu kiện quốc tế.
Tổng vốn đầu tư của dự án này là 4,1 tỷ USD, trong đó vốn góp thực hiện dự án là 300 triệu USD. Tại đây có hạng mục kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài với số lượng tối đa là 100 máy.
Dự kiến khi đi vào hoạt động, Saigon Atlantis Hotel sẽ cung cấp 332 biệt thự với 11.960 phòng khách sạn 5 sao và 16.127 căn hộ cao cấp, thu hút khoảng 15.000 lao động.
Cùng với đó, đến năm 2025, thành phố còn triển khai ba dự án nhà ở xã hội bao gồm dự án NOXH phường 10 và khu đất Bệnh viện Việt - Can cũ, quy mô 4,7 ha với 1.965 sản phẩm, tổng mức đầu tư của dự án này là 1.664 tỷ đồng, dự kiến khởi công vào tháng 11 năm nay.
NOXH tại phường 12, quy mô 5,9 ha với 1.896 sản phẩm, tổng mức đầu tư 1.606 tỷ đồng, dự kiến khởi công vào tháng 11 năm nay.
NOXH phục vụ cán bộ, chiến sĩ công an tỉnh tại phường 10, quy mô 0,4 ha với 528 sản phẩm, tổng mức đầu tư 277 tỷ đồng, dự kiến khởi công vào tháng 11 năm nay.