Tủ lạnh là một trong những thiết bị không thể thiếu trong mỗi nhà. Nhưng nếu không được vệ sinh đúng cách thường xuyên, các vết bẩn, thức ăn thừa sẽ bám lại và làm tăng nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, từ đó suy giảm chất lượng của món ăn. Chưa kể vi khuẩn còn làm thức ăn nhanh hỏng và dễ biến chất hơn.
Thêm vào đó, sự ẩm ướt và môi trường trong tủ lạnh cũng tạo điều kiện lý tưởng cho sự phát triển của nấm mốc. Những vết bẩn và dầu mỡ tích tụ trên các bề mặt tủ có thể làm nấm mốc xuất hiện, làm hỏng thực phẩm, gây ra mùi khó chịu. Nếu bạn ăn phải những loại thực phẩm này sẽ dẫn tới bệnh tật.
Tủ lạnh là nơi trú ngụ của hàng tá vi khuẩn từ thực phẩm tươi sống.
Vì thế, bạn nên chùi rửa thật sạch tủ lạnh và phần tay cầm thường xuyên. Hãy sắp xếp đồ ăn trong tủ lạnh khoa học như thịt sống phía dưới, rau củ quả bên trên, sau đó đến nước uống và đồ ăn đã nấu chín. Nên dùng vài lát chanh để khử mùi cho tủ lạnh.
Các công tắc trên tường là những nơi được tiếp xúc với tần suất rất nhiều, hầu như mọi người trong gia đình đều chạm vào hàng ngày. Nhưng tiếc là chúng lại không được vệ sinh thường xuyên. Giống như các bề mặt khác, công tắc đèn có thể chứa vi trùng và việc lau chùi bằng khăn có thể vẫn chưa đủ.
Theo đó, công tắc đèn thường được đặt ở vị trí dễ tiếp xúc với tay - một trong những bộ phận của cơ thể chứa nhiều vi khuẩn nhất. Do đó, vi khuẩn từ tay có thể dễ dàng chuyển sang bề mặt của công tắc và phát triển tại đó. Nếu ai cũng chạm vào thì công tắc sẽ trở thành ổ vi khuẩn không thua gì bồn cầu.
Công tắc đèn là nơi mà nhiều người cùng sờ vào hàng ngày, nên tích tụ nhiều bụi bẩn.
Ngoài ra, do công tắc đèn thường không được coi là một phần trong quá trình vệ sinh nhà cửa, nên nhiều hay bỏ qua việc làm sạch và lau chùi chúng. Vậy nên khi dọn dẹp trong ngày Tết, hãy chú ý vệ sinh khu vực này, sử dụng cồn hoặc dung dịch vệ sinh chuyên dụng để loại bỏ vi khuẩn.
Thớt vốn là vật dụng quen thuộc và không thể thiếu trong bất kì gia đình nào, được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Tuy nhiên, thớt cũng có thể trở thành "kẻ sát nhân" nếu không được làm sạch và bảo quản đúng cách. Đáng tiếc đây là vấn đề mà nhiều gia đình đang gặp phải.
Cụ thể hơn, các vết trầy xước trên mặt thớt sẽ ẩn chứa nhiều bụi bẩn và vi khuẩn. Nếu thớt bị nấm mốc thì chúng sẽ sản sinh chất aflatoxin, chỉ với 1mg chất này khi vào cơ thể cũng đủ khiến con người tăng nguy cơ mắc ung thư. Nếu cùng lúc ăn tới 20mg chất này, nguy cơ tử vong là rất cao.
Thớt dùng để thái thực phẩm nên cũng rất dễ bị nhiễm bẩn.
Vì vậy, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe gia đình, việc làm sạch và vệ sinh thớt định kỳ thực sự rất quan trọng. Sử dụng nước nóng, xà phòng hoặc dung dịch vệ sinh chuyên dụng để lau sạch thớt sau mỗi lần sử dụng. Cần đảm bảo thớt được khô ráo hoàn toàn trước khi sử dụng lại.
Theo Indiatimes, Healthline