Giáo sư Từ Hán Minh từ Bệnh viện Tâm thần Vũ Hán khuyên cha mẹ khi quyết định cho con ra nước ngoài nên có ý thức trau dồi tính tự lập cho con. Chẳng hạn như cho con tham gia các dịch vụ tư vấn du học và tự mình giải quyết các thủ tục du học liên quan.
Các bậc phụ huynh có điều kiện cũng có thể tận dụng kỳ nghỉ hè đưa con ra nước ngoài để trải nghiệm trước nền giáo dục lớp học phương Tây, cuộc sống gia đình bản xứ, các hoạt động thể thao, không khí đô thị, truyền thống lịch sử, văn hóa ẩm thực... để chuẩn bị về mặt tâm lý.
1. Trẻ không có hứng thú ra nước ngoài
Với cha mẹ đang muốn gửi con đi du học, chuyên gia khuyên họ hãy nói chuyện với con như những người lớn. Hãy hỏi con có thích và muốn đi du học hay không, con đã sẵn sàng xa gia đình hay chưa. Nếu con không muốn, không thích, chưa sẵn sàng thì đừng ép. Chỉ khi thực sự muốn thì trẻ mới có đủ kiên trì để đối mặt với hàng loạt vấn đề sau khi ra nước ngoài.
2. Trẻ kém giao tiếp với người khác
Cuộc sống du học rất dài và cô đơn. Nếu con bạn gặp khó khăn trong giao tiếp ở nhà, đừng nghĩ rằng con sẽ đột nhiên thay đổi sau khi đến một môi trường xa lạ.
3. Trẻ có khả năng tự chăm sóc kém
Nếu một đứa trẻ có khả năng tự chăm sóc kém khi ở nhà, có thể tưởng tượng hoàn cảnh của trẻ sẽ khó khăn ra sao khi rời xa cha mẹ. Khi quyết định cho con đi du học, cha mẹ cần lưu ý đảm bảo con có khả năng tự lập. Tự lập là biết chăm lo cho bản thân mình, xử lý những vấn đề trong cuộc sống.
Chẳng hạn, tìm được nhà để thuê; mua sắm nội thất (nếu nhà trống); mua dụng cụ đồ dùng cá nhân; xe đạp và phương tiện di chuyển cá nhân; các thể loại vé, thẻ, giấy tờ... Đây đều là những vấn đề khó khăn nếu bản thân đứa trẻ không có khả năng tự xử lý.
4. Trẻ có sức chịu đựng tâm lý quá yếu
Con cái khi đi du học gặp quá nhiều vấn đề, nếu sức chịu đựng quá yếu thì khó có thể đảm bảo trẻ không bị rối loạn tâm lý.
5. Trẻ ít có khả năng tự giác học tập
Phương pháp giảng dạy ở nước ngoài rất khác so với trong nước. Nếu trẻ không chủ động sắp xếp việc học của mình thì sẽ bị thiệt thòi rất nhiều, đi đường dài không hiệu quả.
6. Trẻ tương đối cứng nhắc, thiếu khả năng thích ứng
Kiểu trẻ này khi sống dưới sự che chở của cha mẹ sẽ không gặp vấn đề gì, nhưng một khi được thả ra ngoài sẽ nảy sinh đủ thứ. Chẳng hạn: Cảm xúc bất ổn, dễ dao động; Thiếu năng lượng, mệt mỏi về thể chất và tinh thần; Mất ngủ, chất lượng giấc ngủ kém; Không chịu nổi và muốn bỏ học; Chán ăn, khó tiêu; Đau đầu thường xuyên và cần dùng thuốc giảm đau...