Các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam đang đối mặt thử thách lớn trong hoạt động kinh doanh khi tổng số tiền yêu cầu chi trả thiệt hại về con người và tài sản bởi cơn bão số 3 (Yagi) ước tính khoảng 7.000 nghìn tỷ đồng.
Cơn bão số 3 (Yagi) và hoàn lưu bão đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc. Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các địa phương thống kê thiệt hại đến 17 giờ ngày 12/9, bão số 3 và mưa lũ đã khiến 330 người chết và mất tích (226 người chết, 104 người mất tích).
Trong những ngày qua, các lực lượng chức năng của Hà Nội đã sơ tán, di dời khoảng 27.980 người dân tại những nơi có nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa, lũ đến nơi an toàn. Các lực lượng chức năng tỉnh Hưng Yên đưa ca nô, xuồng máy, luồn lách vào ngõ hẻm, tiếp cận và đưa trên 12.000 người dân đến nơi an toàn; Thanh Hóa sơ tán 936 hộ dân ở nơi có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; Bắc Ninh di dời hơn 650 hộ dân ở các khu vực dân cư ở ngoài bãi sông...
Số tiền yêu cầu bảo hiểm chi trả do ảnh hưởng của cơn bão số 3 đang tăng nhanh
Không chỉ gây thiệt hại lớn về người và của, đây cũng là cơn bão ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam. Theo số liệu được Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) công bố, qua số liệu báo cáo từ doanh nghiệp bảo hiểm, các doanh nghiệp đã tiếp nhận thông tin khoảng hơn 9.000 số vụ thiệt hại về tài sản và xe cơ giới; ghi nhận 14 trường hợp tử vong, 18 vụ thuộc nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe. Tổng số tiền chi trả thiệt hại về con người và tài sản ước tính khoảng 7.000 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, đây là những số liệu sơ bộ ban đầu trong bối cảnh thiệt hại do bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra, do số liệu về số vụ tổn thất và giá trị chi trả bồi thường bảo hiểm vẫn chưa thống kê được toàn diện, đầy đủ.
Với số liệu được Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) công bố, tốc độ ghi nhận các vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản đang tăng nhanh theo diễn biến phức tạp sau bão, trong đó có lũ lụt tại rất nhiều tỉnh thành phía Bắc với các trung tâm kinh tế lớn.
Trước đó, cập nhật đến chiều 11/9, Tổng công ty Bảo hiểm PVI ghi nhận hơn 500 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản, ước tổng mức khiếu nại tổn thất hơn 2.000 tỷ đồng. Con số này vẫn chưa bao gồm bồi thường bảo hiểm xe cơ giới và con người.
Đại diện Tổng Công ty Bảo hiểm Quân đội (MIC) cũng nhận định thiệt hại do bão Yagi gây ra là tổn thất rất lớn do thiên tai của ngành bảo hiểm Việt Nam nói chung và doanh nghiệp này nói riêng. Thống kê sơ bộ đến ngày 11/9, MIC ghi nhận khoảng 900 vụ tổn thất bao gồm tài sản, xe cơ giới và hàng hải, ước tính tổng bồi thường 230 tỷ đồng.
Tại Tổng Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC) tính đến 10/9, doanh nghiệp này có gần 500 vụ tổn thất, trong đó có 16 vụ về bảo hiểm hàng hải, hơn 250 vụ bảo hiểm tài sản kỹ thuật, hơn 180 vụ tổn thất bảo hiểm xe cơ giới. Tổng số tiền bồi thường ước tính gần 200 tỷ đồng. Số liệu thiệt hại đang được BIC tiếp tục cập nhật.
Với các doanh nghiệp bảo hiểm lớn khác như Bảo hiểm Agribank tính đến ngày 11/9 có 400 yêu cầu bồi thường với giá trị khiếu nại bồi thường 100 tỷ đồng. Đến ngày 9/9, Bảo hiểm PTI cũng đã nhận 340 yêu cầu bồi thường với giá trị yêu cầu bồi thường 150 tỷ đồng. Bảo hiểm VietinBank đã ghi nhận trên 400 vụ tổn thất trên các nghiệp vụ tài sản, hàng hải và xe cơ giới, số tiền bồi thường ước tính hàng trăm tỷ đồng. Tương tự Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH – BHI) cũng đã tiếp nhận 350 yêu cầu bồi thường. Trong khi Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) cũng tiếp nhận khoảng hơn 500 vụ tổn thất, ước tính thiệt hại hàng trăm tỷ đồng...
Với nhóm các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, tính đến chiều muộn 10/9, đã có 6 doanh nghiệp (DN) bảo hiểm nhân thọ có ghi nhận về các vụ tổn thất về người là khách hàng tham gia hợp đồng bảo hiểm nhân thọ bị thiệt hại do bão số 3 và lũ lụt tại các tỉnh, thành miền Bắc gây ra. Cập nhật con số tổng hợp tại 6 doanh nghiệp trên có 15 vụ, 15 người thương vong và số tiền ước chi trả và hỗ trợ ban đầu khoảng 9,72 tỷ đồng.
Cụ thể, tại AIA Việt Nam, cập nhật nhanh tính đến 13h30, ngày 9/9/2024, ghi nhận có 5 khách hàng đã tử vong do Bão số 3 gây ra, trong đó có 4 khách hàng tại Hải Dương và 1 khách hàng tại Quảng Ninh. Tổng quyền lợi bảo hiểm của 5 khách hàng này tại AIA Việt Nam là khoảng 6,5 tỷ đồng.
Tại Bảo hiểm Daiichi xác định có 6 nạn nhân tử vong trong vụ sạt lỡ ở Yên Bái. Số tiền ước tính chi trả là 2,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các DN bảo hiểm khác như Manulife, Prudential, Chubb, Shinhan, Phú Hưng, MAP, FWD, FWDA, MB Ageas, Hanwha, Fubon cũng đang rà soát những khách hàng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 vừa qua.