Nếu muốn trẻ được phát triển một cách toàn diện, bố mẹ hãy chú ý tránh không nên mắng con vào những thời điểm dưới đây.
Trong quá trình chăm sóc và nuôi dạy con, việc xảy ra mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái là không thể tránh khỏi. Mỗi gia đình lại có phương pháp giáo dục không giống nhau dựa trên sự quan sát tính cách của trẻ.
Nhiều phụ huynh cho rằng la mắng con sẽ hiệu quả vào một số thời điểm, không gian nhất định, đôi khi lại ngược lại. Do đó, cha mẹ nên kiểm soát cảm xúc của mình để tránh gây phản tác dụng.
1. Khi đứng trước mặt người lạ
Nhiều phụ huynh thường có thói quen mắng con mình mọi lúc, mọi nơi và khó kiềm chế được cảm xúc khi đứng trước mặt người lạ. Thậm chí, có phụ huynh còn mắng con ngay trước mặt bạn bè, khiến trẻ cảm thấy bị mất mặt và dẫn đến nhiều tình huống không mong muốn xảy ra.
Tại Nhật Bản, khi trẻ phạm lỗi, họ sẽ không bao giờ lớn tiếng quát mắng, đặc biệt là trước mặt người lạ. Thay vào đó, người Nhật sẽ đưa con mình đến một góc khuất, nơi không có người qua lại để nói chuyện và làm rõ vấn đề xảy ra. Cách làm này giúp trẻ không cảm thấy bị tổn thương và giữ được lòng tự trọng cho riêng mình.
Có phụ huynh còn mắng con ngay trước mặt bạn bè, khiến trẻ cảm thấy bị mất mặt và dẫn đến nhiều tình huống không mong muốn xảy ra. Ảnh minh họa
2. Không nên la rầy trẻ lúc sáng sớm
Buổi sáng luôn là thời điểm thích hợp nhất để lên kế hoạch, dự định mới cho cả ngày. Tâm trạng tốt thì mọi việc mới suôn sẻ được. Vậy nên bố mẹ cần giúp trẻ nhỏ có một tâm lý vui vẻ, thoải mái nhất để đón một ngày mới.
Hãy chào con theo cách thật tình cảm và ấm áp thay vì sáng ra đã quát mắng trẻ những điều nặng nề, khiến con sáng ra đã ôm cảm giác ấm ức khó chịu trong người. Việc nhắc nhở có thể tạm gác sang thời điểm khác, hợp lý hơn trong ngày, trong tuần.
3. Trong bữa ăn
''Trời đánh tránh miếng ăn'', bữa cơm là lúc gia đình quây quần, đoàn tụ để chia sẻ những chuyện vui vẻ; không phải là lúc để la mắng trẻ. Khi cha mẹ mắng trẻ trong lúc ăn, sẽ tạo ra những cảm xúc tiêu cực ở bé.
Thử hình dung khi bạn vừa khóc vừa ăn thì món ăn đó liệu có còn ngon nữa hay không, và trẻ cũng cảm thấy y hệt như vậy.
Việc con bị mắng không những làm việc ăn uống bị gián đoạn mà còn tạo tâm lý nặng nề cho cả người lớn lẫn trẻ nhỏ. Lâu dần con sẽ sợ bữa ăn, cảm thấy mệt mỏi, cố tình tránh né ăn uống cùng bố mẹ, dần dần mỗi quan hệ giữa cha mẹ và con cái sẽ trở nên căng thẳng hơn.
4. Lúc trẻ đang có chuyện vui
Khi trẻ đang vui, việc bị cha mẹ mắng sẽ trở thành nỗi tổn thương và ám ảnh in sâu vào tâm trí, khó xóa bỏ. Nếu không thể khen ngợi, cha mẹ cũng không nên chỉ trích khi con đang vui vẻ. Mà hãy để cho con đón nhận niềm vui mà bạn ấy có được và nên lựa chọn thời gian phù hợp khác dạy dỗ trẻ sau.
Nguyên nhân dẫn đến điều này một phần là do phụ huynh không biết cách khống chế cảm xúc của mình. Khiến trẻ luôn nghĩ rằng, bạn không yêu thương và hiểu con nên mới làm những hành động như vậy.
5. Khi bố mẹ đang nóng giận
Khi bố mẹ đang nóng giận, rất dễ rơi vào trạng thái vừa mở miệng đã muốn mắng người. Trong trường hợp này, nếu đem chuyện của con cái ra dạy bảo, bố mẹ sẽ dễ dàng làm tổn thương con trẻ, đồng thời phá vỡ hình tượng của bố mẹ trong mắt trẻ.
Trong lúc này, các bậc phụ huynh cần hạ hỏa, đợi bình tĩnh trở lại hãy chỉ bảo cho con cái điều hơn lẽ thiệt.
Khi bố mẹ đang nóng giận, rất dễ rơi vào trạng thái vừa mở miệng đã muốn mắng người. Ảnh minh họa
6. Khi trẻ biết nhận lỗi
Nếu trẻ nhận thấy hành động mà mình làm là sai và biết chủ động nhận lỗi, phụ huynh nên cảm thông cũng như nhẹ nhàng nhắc nhở con không nên tái phạm trong lần tiếp theo. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có rất nhiều huynh nhân cơ hội con biết nhận lỗi để mắng con nhiều hơn.
Hành động này có thể kích động tâm lý trẻ, khiến trẻ nghĩ rằng nhận lỗi hay không đều không còn quan trọng, vì mọi cách làm đều sẽ bị chỉ trích, mắng mỏ.Cho nên, bạn cần khoan dung, tha thứ khi trẻ biết nhận lỗi và sửa lỗi.
7. Lúc trẻ bị ốm, uể oải
Khi trẻ bị ốm, tâm trạng sẽ thường trở nên cáu kỉnh, khó bảo hơn và đương nhiên là không thể tiếp thu được trọn vẹn những lời quát mắng, nhắc nhở của bố mẹ. Thậm chí, trẻ sẽ càng cảm thấy mệt mỏi, bi đát và lâu vượt qua trận ốm hơn.
Ngoài ra, nếu bố mẹ la hét vào lúc này, không khí trong gia đình cũng trở nên càng ngột ngạt, nặng nề với tất cả mọi người.
8. Lúc trẻ đang lo lắng, buồn rầu
Khi trẻ gặp chuyện buồn thì thật sự rất cần những cái ôm, lời an ủi và sự chia sẻ của bố mẹ. Nếu bố mẹ lại không biết vậy mà còn trách mắng trẻ, la hét vào lúc này sẽ càng khiến cho tâm trạng trẻ xấu đi, tạo thêm những áp lực vô hình đè nặng lên cảm xúc của trẻ.
Vậy nên, hãy giúp trẻ giải tỏa cảm xúc tiêu cực trước khi muốn dạy bảo trẻ về điều gì đó.