Song song với nguy cơ sẵn có, những yếu tố liên quan môi trường, đời sống xã hội hay thiếu hụt kiến thức đúng đắn trong việc vệ sinh vùng nhạy cảm cũng như giáo dục giới tính khiến một số dạng bệnh phụ khoa có xu hướng tăng ở các bạn nữ trẻ.
ThS.BS Dương Thị Hải Ngọc, Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em cho biết, bệnh phụ khoa là bệnh nhiễm khuẩn đường sinh dục ở nữ (viêm âm hộ, âm đạo, cổ tử cung, tử cung, buồng trứng, vòi trứng). Bệnh gặp ở phụ nữ đã có quan hệ tình dục và cả người chưa từng.
Theo BS Ngọc, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh lý này. Trong đó, yếu tố nội sinh là do sự phát triển quá mức của các vi khuẩn và vi sinh vật có sẵn ở âm đạo (vi khuẩn, nấm...). Ngoài ra, còn do thói quen sinh hoạt, vệ sinh, môi trường, điều kiện sống (đồ lót chật, thói quen vệ sinh không đúng...).
Mất cân bằng nội tiết khi mang thai, sau sinh, tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh, dùng thuốc, chế độ dinh dưỡng, stress… cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Yếu tố ngoại sinh là do vi khuẩn, vi sinh vật xâm nhập vào đường sinh sản qua các thủ thuật can thiệp y tế chưa đảm bảo vô trùng. Quan hệ tình dục không an toàn làm tổn thương âm đạo, cũng tạo điều kiện cho những vi khuẩn, vi sinh vật từ hậu môn, bộ phận sinh dục nam giới đi sâu vào âm đạo phụ nữ và tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển.
Đại diện Bộ Y tế nhấn mạnh: Bệnh phụ khoa là một vấn đề sức khỏe cộng đồng cần quan tâm. Việc thiếu kiến thức và thói quen, điều kiện thực hành vệ sinh cá nhân, vệ sinh kinh nguyệt không khoa học là một trong những nguyên nhân gây bệnh.
Trong khi đó, nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, triệt để, bệnh phụ khoa có thể gây biến chứng nghiêm trọng, thậm chí viêm cổ tử cung, viêm vòi trứng, tắc vòi trứng gây vô sinh, ảnh hưởng hạnh phúc gia đình, chất lượng cuộc sống của phụ nữ.