Đơn cử, học phí ngành y vô cùng đắt đỏ vì số lượng trường tư nhân chiếm phần lớn tại quốc gia. Sinh viên muốn theo học trường y phải tham gia kỳ thi tuyển chọn gắt gao nhưng lợi thế thường thuộc về những thí sinh đến từ gia đình khá giả, có điều kiện học thêm và chuẩn bị hồ sơ ứng tuyển.
Chuyên gia giáo dục Pragna Rao đánh giá vấn đề không chỉ giới hạn ở cung và cầu. Nếu chính phủ cho phép mở thêm các trường y khoa công lập, số lượng có thể không đi kèm chất lượng. Ngược lại, giữ nguyên số lượng trường công lập như hiện nay sẽ tạo cơ hội cho các trường tư nhân thành lập, đẩy giá học phí ngành y tăng cao.
Trước vấn đề trên, ông Yeravdekar kiến nghị Chính phủ Ấn Độ cần tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành y cho các trường công lập, điều chỉnh mức học phí phù hợp. Ngành giáo dục tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng đào tạo và sinh hoạt trong các trường y khoa để thu hút sinh viên trong và ngoài nước.
Đồng tình với kiến nghị trên, chuyên gia giáo dục Pragna Rao nhận định, nếu chính phủ dành mức chi tiêu cao hơn cho lĩnh vực giáo dục y tế, tạo môi trường thuận lợi cho các trường y khoa công lập có thể giải quyết những lo ngại về chất lượng và học phí giáo dục y tế.
“Dù vậy, cần đảm bảo chất lượng của sinh viên ngành y một cách đồng bộ. Bên cạnh bác sĩ đa khoa, các lĩnh vực đào tạo nhân viên điều dưỡng, nhân viên dịch vụ y tế, quản lý bệnh viện cũng cần được quan tâm, chú trọng. Mọi vị trí đào tạo phải phát triển đồng bộ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của lĩnh vực y tế quốc gia”, bà Rao bày tỏ.
Chất lượng giáo dục y tế tại Ấn Độ đã được đem ra thảo luận trong nhiều năm. Nhưng hiện nay, vấn đề càng trở nên “nóng” hơn từ chiến tranh giữa Ukraine và Nga khiến du học sinh y khoa Ấn Độ phải bỏ dở việc học về nước. Những sinh viên này đang kêu gọi Chính phủ Ấn Độ tiếp nhận họ vào các trường y địa phương.