Ăn đồ ngọt có thực sự giảm stress?

18/06/2023, 11:47
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhiều người có thói quen ăn một chiếc bánh, ngậm vài viên kẹo khi stress, tuy nhiên chuyên gia y tế khuyến cáo về lâu dài, đồ ngọt sẽ tác động tiêu cực đến cơ thể.

Em N.V.A (18 tuổi, ở quận Hà Đông, Hà Nội) dành thời gian học ngày học đêm vì đứng trước kỳ thi tốt nghiệp THPT. Gần đây em liên tục có dấu hiệu stress, áp lực. Những lúc như vậy, A. lại tìm đến đồ ngọt như một liệu pháp tức thời giúp giảm căng thẳng đầu óc.

Tương tự, chị B.L.H (35 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) làm thư ký cho giám đốc của một doanh nghiệp nước ngoài và chia sẻ một câu chuyện tương tự. Chị kể, bản thân đang nuôi con nhỏ, công việc ở công ty lại áp lực, liên tục bị chậm deadline. Để giải toả những bức bí trong đầu óc, chị lại làm bạn với các món ngọt như kẹo, thậm chí món ăn trong các bữa chị cũng nêm nếm nhiều gia vị ngọt.

Theo Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng - Trưởng khoa Khám tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, hiện chưa có nghiên cứu nào khẳng định việc nạp đồ ngọt (thức ăn nhiều đường) có thể giúp tinh thần con người ổn định, bình tĩnh, giảm bớt căng thẳng. Nhưng một chế độ ăn uống quá nhiều đường chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của mỗi người. 

Việc thường xuyên ăn nhiều thực phẩm có chứa chất béo bão hòa và đường tinh chế sẽ tác động tiêu cực đến protein trong não, ảnh hưởng đến tinh thần, làm xuất hiện các triệu chứng lo lắng, đặc biệt là ở đối tượng người cao tuổi (trên 60 tuổi) và ảnh hưởng đến quá trình điều trị ở những người có các bệnh mạn tính như tim mạch, đái tháo đường...

Ăn đồ ngọt có thực sự giảm stress? - 1

Nhiều người có thói quen ăn một chiếc bánh, ngậm vài viên kẹo khi stress. (Ảnh minh hoạ: Bách hoá xanh).

Khi cơ thể lạm dụng quá nhiều thực phẩm ngọt sẽ khiến một số chất hóa học trong não bị mất cân bằng, làm xuất hiện các triệu chứng lo lắng. Sự đảo lộn này có nguy cơ gây nên các rối loạn tâm lý. Chế độ dinh dưỡng nhiều chất béo hoặc đường còn có hại cho đường ruột, từ đó ảnh hưởng đến não bộ. 

Thay vì nạp vào cơ thể những thức ăn ưa thích, mọi người hoàn toàn có thể rèn luyện chế độ dinh dưỡng nhiều rau xanh, trái cây và các loại hạt có thành phần chứa nhiều vitamin, khoáng chất thiết yếu… Ngoài ra, mọi người cũng nên tích cực bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin C giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, giảm thiểu vấn đề căng thẳng và mệt mỏi. 

Để tránh tình trạng tinh thần trở nên nặng nề, người bị stress cần hạn chế các đồ uống có chất kích thích như rượu, bia, cà phê, soda… vì những thức uống này tác động tiêu cực tới hệ thần kinh con người. 

Trong xã hội hiện đại ngày nay, con người hoàn toàn có thể kiểm soát stress theo các cách vừa đơn giản vừa dễ thực hiện, chẳng hạn như: nghe nhạc, xem hài kịch và các video hài hước trên mạng để tinh thần thoải mái; dừng việc sử dụng các thiết bị điện tử ít nhất vài lần trong ngày; tập hít thở sâu giúp tăng lượng oxy cung cấp cho cơ thể; duy trì hoạt động thể lực tại nhà; suy nghĩ lạc quan, tích cực hơn; dành cho mình những khoảng thời gian để tận hưởng cuộc sống…

Chuyên gia khuyến cáo, chế độ dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng đối với người bị stress. Một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp tạo dựng các thành phần quan trọng trong cơ thể như protein, enzyme, mô não, chất dẫn truyền thần kinh. Chế độ ăn giàu các chất dinh dưỡng như omega-3 và kẽm sẽ làm tăng kết nối giữa các tế bào não.

Chế độ ăn uống lành mạnh còn tăng cường vi khuẩn có lợi cho đường ruột - yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ, duy trì môi trường đường ruột khỏe mạnh, làm giảm viêm - yếu tố gây ảnh hưởng đến tâm trạng và nhận thức…

Trong xã hội hiện đại, phát triển ngày nay, nhiều người có thói quen tiếp cận với thức ăn thoải mái và xem đây như liều thuốc xoa dịu, làm thỏa mãn cảm xúc. Tuy nhiên, điều này chỉ là giải pháp nhất thời vì nếu dùng thực phẩm không tốt sẽ để lại hệ lụy ngay sau đó, nhất là với người đang bị stress.

MAI KHÔI

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ăn đồ ngọt có thực sự giảm stress?