Bốn phương

Ấn Độ sục sôi biểu tình sau vụ nữ bác sĩ nghi bị cưỡng hiếp tập thể rồi bị sát hại

17/08/2024 21:08

Điều tra sơ bộ cho thấy có dấu hiệu nữ bác sĩ 31 tuổi làm việc tại TP Kolkata (Ấn Độ) bị cưỡng hiếp tập thể rồi bị sát hại.

Ấn Độ đang đối mặt làn sóng biểu tình và đình công của các nhân viên y tế sau vụ một nữ bác sĩ nghi bị cưỡng hiếp tập thể và bị sát hại tại một bệnh viện ở bang West Bengal hồi tuần trước, hãng tin Reuters cho hay.

Ngày 9-8, một nữ bác sĩ, 31 tuổi, được phát hiện tử vong trên một tấm nệm đẫm máu trong hội trường của Cao đẳng Y khoa RG Kar (TP Kolkata), nơi người này làm việc.

Nghi ngờ bị cưỡng hiếp tập thể, cả khoa đều có thể là nghi phạm

Theo lời kể của cha nạn nhân, lần gần nhất mà gia đình liên lạc được với nữ bác sĩ xấu số là khoảng 11 giờ 15 tối 8-8. Người bố đặt câu hỏi tại sao không ai phát hiện ra sự biến mất bất thường của con gái mình cho tới 10 giờ sáng hôm sau.

Cảnh sát được tăng cường tại Bệnh viện Cao đẳng Y khoa RG Kar (Ấn Độ) hôm 16-8, sau vụ một nữ bác sĩ nghi bị cưỡng hiếp tập thể rồi bị sát hại. Ảnh: PTI PHOTO

Cảnh sát được tăng cường tại Bệnh viện Cao đẳng Y khoa RG Kar (Ấn Độ) hôm 16-8, sau vụ một nữ bác sĩ nghi bị cưỡng hiếp tập thể rồi bị sát hại. Ảnh: PTI PHOTO

Các nhân viên tại bệnh viện Cao đẳng Y khoa RG Kar cho biết vào đêm trước khi xảy ra vụ việc, nạn nhân đã đến hội trường để nghỉ ngơi khi đã làm việc liên tục gần 20 giờ. Theo lịch, ca làm việc này dài 36 giờ, theo Reuters.

Thủ hiến bang West Bengal, bà Mamata Banerjee kêu gọi công lý cho nạn nhân và án tử hình cho các thủ phạm. Thống đốc West Bengal, ông Ananda Bose gọi vụ án này là “rất đáng lo ngại, gây sốc và đáng xấu hổ”.

Cảnh sát địa phương xác nhận có nhiều dấu hiệu bất thường trong cái chết của nữ bác sĩ. Xuất hiện một số thông tin rằng vụ án đang được xem xét như một vụ tự tử, song cảnh sát đã bác bỏ đồn đoán này.

Theo cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền hình Ấn Độ, bà Smriti Irani, có báo cáo rằng cảnh sát đã phát hiện 150 ml tinh dịch tại hiện trường, làm dấy lên nghi ngờ về một vụ cưỡng hiếp tập thể. Bà Irani cũng đặt ra câu hỏi tại sao không một ai nghe thấy gì khi vụ việc xảy ra.

Cha của nạn nhân cáo buộc rằng “toàn bộ khoa (nơi con gái ông làm việc) đều là nghi phạm”. Ông cho biết thêm rằng CBI vẫn đang điều tra và trao đổi với gia đình về các tình tiết mới.

Thủ hiến bang West Bengal, bà Mamata Banerjee tổ chức tuần hành im lặng với nến để lên án vụ nữ bác sĩ nghi bị cưỡng hiếp tập thể rồi bị sát hại ở TP Kolkata. Ảnh: ANI

Thủ hiến bang West Bengal, bà Mamata Banerjee tổ chức tuần hành im lặng với nến để lên án vụ nữ bác sĩ nghi bị cưỡng hiếp tập thể rồi bị sát hại ở TP Kolkata. Ảnh: ANI

Trước đó, trong sáng 16-8, cha của nạn nhân cho biết Cục Điều tra trung ương Ấn Độ (CBI) đã đảm bảo với gia đình rằng những kẻ tình nghi sẽ bị bắt sớm nhất và thủ phạm sẽ bị trừng trị nghiêm khắc.

TS Sandip Ghosh, Hiệu trưởng Cao đẳng Y khoa RG Kar đã từ chức sau khi vụ việc xảy ra. CBI đang thẩm vấn ông và một số nghi phạm khác.

Theo tin sáng 17-8 của The Times of India, Uỷ ban Quốc gia về Phụ nữ Ấn Độ (NCW) đã tổ chức một cuộc điều tra sơ bộ và phát hiện những sai sót nghiêm trọng trong quá trình điều tra vụ việc. Điều này làm dấy lên lo ngại về việc bằng chứng đã bị xâm phạm do điều kiện an ninh yếu kém của cơ sở y tế.

Các đảng phái chỉ trích nhau, biểu tình lan ra cả nước

Một số đảng chính trị, gồm cả đảng Bharatiya Janata (BJP) của Thủ tướng Narendra Modi, đã tổ chức biểu tình đòi công lý cho nạn nhân. Tình trạng bạo lực bắt đầu xuất hiện từ hôm 15-8, theo tờ The Times of India.

Ngày 16-8, cảnh sát cho biết đã bắt giữ 24 người liên quan tới hành động bạo lực và phá hoại tại Cao đẳng Y khoa RG Kar. Khoảng 1.500 người biểu tình cũng bị bắt vì đã làm gián đoạn giao thông công cộng.

Các bác sĩ tại Bệnh viện tưởng niệm Mahatma Gandhi tại TP Trichy đeo phù hiệu đen để lên án vụ nữ bác sĩ nghi bị cưỡng hiếp tập thể rồi bị sát hại ở Kolkata. Ảnh: THE TIMES OF INDIA

Các bác sĩ tại Bệnh viện tưởng niệm Mahatma Gandhi tại TP Trichy đeo phù hiệu đen để lên án vụ nữ bác sĩ nghi bị cưỡng hiếp tập thể rồi bị sát hại ở Kolkata. Ảnh: THE TIMES OF INDIA

BJP kêu gọi Thủ hiến Banerjee từ chức với cáo buộc tình hình trật tự và luật pháp đang ngày càng tồi tệ dưới sự lãnh đạo của đảng Quốc đại Trinamool của chính trị gia này.

Đáp lại, bà Banerjee đã dẫn đầu một đoàn tuần hành im lặng để phản đối điều mà bà cáo buộc là sự liên quan của BJP và phe đối lập ở bang tới vụ phá hoại ở bệnh viện RG Kar.

Hiệp hội Y khoa Ấn Độ tuyên bố sẽ tổ chức dừng tất các các dịch vụ y khoa hiện đại trong 24 giờ, từ ngày 17-8 đến ngày 18-8, song vẫn duy trì điều trị cho các bệnh nhân nếu quá trình điều trị chỉ liên quan tới các dịch vụ y tế cơ bản.

Hiệp hội khoa học của Viện khoa học y khoa toàn Ấn Độ cũng tuyên bố dừng tất cả dịch vụ y tế, trừ cấp cứu và các dịch vụ khẩn cấp khác, trong ngày 17-8.

Các cuộc biểu tình cũng diễn ra từ hôm 15-8 tại nhiều nơi trên khắp Ấn Độ để lên án vụ án ở Kolkata.

Cưỡng hiếp và giết hại phụ nữ và trẻ em gái, nhất là cưỡng hiếp tập thể, là một vấn đề lớn ở Ấn Độ.

Hệ thống tư pháp hình sự nước này đã thay đổi theo hướng nghiêm khắc hơn với loại tội phạm này sau vụ một nữ sinh viên 23 tuổi bị cưỡng hiếp tập thể trên xe buýt năm 2012. Tuy nhiên, theo Reuters, những nhà hoạt động vì quyền phụ nữ ở Ấn Độ vẫn cho rằng tình hình từ sau năm 2012 vẫn không có nhiều thay đổi.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ấn Độ sục sôi biểu tình sau vụ nữ bác sĩ nghi bị cưỡng hiếp tập thể rồi bị sát hại