Nội dung “An toàn trường học dưới góc nhìn đa chiều” đã được các diễn giả cùng nhau thảo luận về thực trạng và vai trò của giáo dục về an toàn trường học cho học sinh Việt Nam trong bối cảnh hiện nay; những thuận lợi và khó khăn khi triển khai giáo dục về an toàn trường học, các giải pháp đẩy mạnh an toàn trường học cho học sinh Việt Nam.
Tập huấn về An toàn trường học, bà Nguyễn Phương Anh, Quản lý về Bảo đảm An toàn cấp Quốc gia, Hội đồng Anh đã đưa ra khái niệm Bảo đảm An toàn (Safeguarding) và các khái niệm liên quan. Trong đó bà nhấn mạnh các loại hình, hình thức bạo hành/ngược đãi và dấu hiệu nhận biết người/ trẻ bị bạo hành/ ngược đãi. Cũng như việc ngăn ngừa, phòng chống và xử lý các hành vi có tính chất lạm dụng, xâm hại, ngược đãi đối với cả người lớn và trẻ em.
Các chuyên gia cùng nhìn nhận, trách nhiệm của nhà trường trong công tác Bảo đảm An toàn cho học sinh và cách xây dựng và triển khai hệ thống Bảo đảm An toàn trong Nhà trường. Các đại biểu sẽ được nghe về các tiêu chí báo cáo các quan ngại, cách phản ứng và xử trí khi tiếp nhận thông tin, các bối cảnh có thể diễn ra bạo hành và các yếu tố chính tạo ra văn hóa học đường an toàn.
Môi trường giáo dục có tác động quan trọng tới sự hình thành và phát triển nhân cách của học sinh, góp phần tạo nên mục đích, động cơ, cung cấp phương tiện cho hoạt động và giao tiếp của học sinh. Nhờ đó mà mỗi học sinh chiếm lĩnh được những tri thức, thái độ, hành vi và thói quen tốt đẹp trong học tập và cuộc sống.
Một môi trường học tập an toàn với sự công bằng, không bạo lực, quan tâm đến sức khỏe thể chất, tinh thần và cảm xúc sẽ thúc đẩy sự phát triển về kiến thức, kỹ năng, thái độ, giá trị, đạo đức. Qua đó, học sinh có thể phát triển toàn diện cũng như phát huy hết tiềm năng của mình.- GS Lê Anh Vinh