Anh hùng Phạm Tuân giao lưu với thầy trò Trường THCS Quỳnh Mai

Pv | 14/12/2022, 20:08
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Kỉ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, sáng 12/12, Trung tướng – Anh hùng Phạm Tuân đã có buổi giao lưu với thầy trò Trường THCS Quỳnh Mai.

Kỉ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, sáng ngày 12/12, Trung tướng – Anh hùng Phạm Tuân đã có buổi giao lưu với thầy trò Trường THCS Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) về những năm tháng hào hùng ấy.

Buổi giao lưu đã mang lịch sử đến gần hơn với học sinh khi trước mắt các em là người lính bình dị nhưng đã ba lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng với các chiến công lừng lẫy. Và bản hùng ca của cuộc đời ông cũng chính là một bài học sống động cho thế hệ trẻ về sự nỗ lực không ngừng để sẵn sàng đón nhận cơ hội khi lịch sử gọi tên.

Đến buổi giao lưu trong bộ quân phục, Trung tướng Phạm Tuân chia sẻ ông rất vui và hạnh phúc khi được nói chuyện với học sinh đúng trong cao điểm kỉ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không.

Những câu chuyện lịch sử

“Trượt tuyển phi công, tôi được phân công sang Liên Xô học về kỹ thuật sửa chữa thiết bị radar. Nhìn các học viên phi công người Việt xúng xính trong bộ đồ rất nhiều túi, tôi ngưỡng mộ lắm, mơ ước dù chỉ một lần được ngồi trên buồng lái,” Trung tướng Phạm Tuân chia sẻ.

Trở về từ Liên Xô, phi công Phạm Tuân đã anh dũng chiến đấu trong hàng ngũ không quân Việt Nam. Mỗi lần cất cánh là mỗi lần đối diện với sinh tử khi đối đầu với đế quốc Mĩ trên bầu trời, nhưng Phạm Tuân bảo ông chưa bao giờ run sợ và luôn tin mình sẽ chiến thắng trở về. “Niềm tin chiến thắng vô cùng quan trọng. Không tin mình thắng thì mình sẽ thua ngay từ khi cất cánh,” Trung tướng Phạm Tuân nói.

Với niềm tin tất thắng, đêm ngày 27/12/1972, ông đã trở thành người Việt Nam đầu tiên bắn rơi máy bay B52 của Mĩ và trở về an toàn. Kì tích này đã gây sửng sốt cho không chỉ đế quốc Mĩ mà cả thế giới, khi Mĩ từng tự tin tuyên bố B52 là siêu pháo đài bay không thể công phá. Với kỳ tích này, ông đã được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam năm 1973, khi mới 26 tuổi.

Năm 1977, Phạm Tuân tiếp tục được cử sang Liên Xô học tại Học viện Không quân Gagarin. “Phía Liên Xô yêu cầu Việt Nam cử 4 người sang học để bay vào vũ trụ. Từ bốn người này, sau khi đào tạo sẽ chọn một người để bay. Giống như lần trước, tôi cũng không nằm trong danh sách được chọn, nhưng vì ở trong nước chỉ chọn được ba người nên tôi được ‘điền vào chỗ trống’, làm ‘quân xanh’ cho đủ danh sách 4 người,” Trung tướng Phạm Tuân vui vẻ kể.

Năm 1980, anh hùng Phạm Tuân đã mang theo một nắm đất Ba Đình, một bản tuyên ngôn độc lập của Bác Hồ, bản Di chúc của Bác Hồ, ảnh Bác Hồ, hai huy hiệu Bác Hồ và cờ Tổ quốc bay vòng quanh Trái Đất trong 8 ngày, trở thành người Việt Nam đầu tiên, người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ. Một lần nữa, ông được phong danh hiệu anh hùng bởi cả hai nhà nước: Anh hùng Lao động Việt Nam và anh hùng Liên Xô.

Nỗ lực để sẵn sàng cho các cơ hội

Trung tướng Phạm Tuân khiêm tốn cho hay những thành tựu trong cuộc đời ông phần nhiều do may mắn khi đã liên tiếp có những cơ hội mở ra, nhưng vị anh hùng cũng nhấn mạnh với các em học sinh về việc phải luôn luôn chủ động, nỗ lực để sẵn sàng đón nhận, chớp thời cơ để có thể gặt thành quả. Đó cũng là bài học mà ông rút ra từ cuộc đời mình, bài học của lịch sử và vẫn còn nguyên giá trị cho thế hệ trẻ hôm nay.

“Khi thất bại cũng không nản chí, luôn nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ được giao thì những nỗ lực đó sẽ đem đến thành quả, những thành quả sẽ được mọi người ghi nhận và trân trọng. Mỗi người đều sẽ có những cơ hội của riêng mình, nhưng phải rèn luyện không ngừng để có bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm và biết cách làm để sẵn sàng chớp lấy khi thời cơ đến,” anh hùng Phạm Tuân nhắn nhủ.

Trước những câu hỏi của các bạn học sinh về những lời nhắn nhủ cho thế hệ trẻ, vị anh hùng cũng khuyên các em nên chọn ngành phù hợp với năng lực bản thân, ưa chuộng sáng tạo thay vì chạy theo số đông hay những ngành học "hot."

Buổi gặp gỡ anh hùng, Trung tướng Phạm Tuân trong không khí cả nước kỉ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không sẽ bồi đắp thêm cho các em niềm tự hào dân tộc, biết ơn thế hệ cha anh và khơi dậy trong các em khát khao cống hiến. Những chia sẻ của anh hùng Phạm Tuân với những kinh nghiệm đúc rút từ chính cuộc đời ông cũng sẽ là bài học sinh động, thiết thực cho các em trong hành trang bước tới tương lai.

Bài liên quan
Hơn 1.000 giáo viên, học sinh ‘đội mưa’ trải nghiệm lịch sử tại chiến trường Điện Biên Phủ
Mặc dù thời tiết không ủng hộ, song hơn 1.000 giáo viên, học sinh của 17 trường THPT chuyên khu vực Trung du và miền núi phía Bắc vẫn háo hức “đội mưa” cùng tham gia các hoạt động trải nghiệm lịch sử tại chiến trường Điện Biên Phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Anh hùng Phạm Tuân giao lưu với thầy trò Trường THCS Quỳnh Mai