Áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm

29/12/2023, 16:55
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Để xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, mỗi đơn vị cần áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp từ chất lượng đội ngũ đến cơ sở vật chất.

Ngày 29/12, Phòng GD&ĐT huyện Hoài Đức (Hà Nội) tổ chức sơ kết 2 năm thực hiện chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021-2025".

Tạo không gian sáng tạo cho trẻ

Bà Nguyễn Thị Quyên - Chuyên viên Phòng GD&ĐT Hoài Đức cho biết, toàn huyện có tổng số gần 23.000 trẻ đang học tại 42 trường mầm non, 92 cơ sở giáo dục mầm non độc lập. Đơn vị này cũng đã xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện chuyên đề.

Sau khi nhân rộng các mô hình điểm thực hiện hiệu quả giai đoạn 2016 - 2020, huyện đã chỉ đạo và tổ chức kiến tập điểm mô hình cấp huyện gồm: Trường mầm non xanh; Trường học điện tử; Vườn rau VietGap; Khu vui chơi phát triển vận động tại các trường Mầm non Yên Sở, Minh Khai, Đức Thượng, An Khánh B...

Bà Nguyễn Thị Quyên - Chuyên viên Phòng GD&ĐT Hoài Đức nêu báo cáo sơ kết tại hội nghị.
Bà Nguyễn Thị Quyên - Chuyên viên Phòng GD&ĐT Hoài Đức nêu báo cáo sơ kết tại hội nghị.

Trong năm học 2023 - 2024 sẽ xây dựng mô hình “Mỗi cơ sở giáo dục là một không gian sáng tạo”. Huyện chỉ đạo xây dựng Chương trình giáo dục nhà trường theo hướng tiếp cận đa văn hóa, lồng ghép giáo dục lễ giáo, giáo dục kỹ năng sống phù hợp với trẻ mầm non.

Để triển khai tốt chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021-2025", các nhà trường cần xây dựng văn hóa trường mầm non với trang phục phù hợp với vị trí việc làm, phong cách giao tiếp ứng xử văn hóa, hành vi của CBQL, GVNV thân thiện, mẫu mực, là tấm gương cho trẻ noi theo.

Các cơ sở giáo dục mầm non quy hoạch tổng thể nhà trường, tận dụng tối đa không gian để thiết kế các khu vui chơi, trải nghiệm cho trẻ. Đảm bảo 50% diện tích sân vườn là sân cỏ, vườn rau của bé, vườn cây ăn quả. Hệ thống biểu bảng đồng bộ, khoa học, sắp xếp vị trí phù hợp.

Cô trò cùng nhau tham gia vào hoạt động ngoài trời khi thời tiết tốt.
Cô trò cùng nhau tham gia vào hoạt động ngoài trời khi thời tiết tốt.

Nhiều trường thiết kế khu phát triển vận động, khu không gian sáng tạo đa đạng, hiện đại. Các lớp học tạo không gian học tập mở với nguồn học liệu phong phú tại địa phương. Bếp ăn đảm bảo quy trình một chiều với trang thiết bị dụng cụ nhà bếp hiện đại, nhiều trường thay hệ thống bếp ga bằng bếp điện từ.

Một số trường mầm non chuẩn quốc gia mức 2 có màn hình LED, có phòng máy tính, máy chiếu, bảng tương tác đồng bộ hiện đại; 50% các trường có mái che và bể vầy, bể cát sỏi. Nhiều trường mầm non có Hội trường rộng, hiện đại quy mô 200 - 500 ghế để tổ chức các ngày lễ hội như: Đức Thượng, Cát Quế A, An Khánh B.

Trẻ tham gia vào các hoạt động như hội chợ quê để tăng cường khả năng giao tiếp.
Trẻ tham gia vào các hoạt động như hội chợ quê để tăng cường khả năng giao tiếp.

Cũng theo bà Quyên, nhằm đổi mới hoạt động nuôi dưỡng trẻ, thực đơn được các trường sử dụng đa dạng nhiều loại thực phẩm trong bữa ăn của trẻ, tăng cường rau xanh, quả chín, sữa và các chế phẩm từ sữa đảm bảo theo quy định, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Các đơn vị tiền ăn thấp tăng cường sử dụng nông sản, thực phẩm giàu dinh dưỡng sẵn có ở địa phương để đảm bảo chất lượng bữa ăn cho trẻ. Đổi mới hình thức tổ chức bữa ăn cho trẻ tại lớp như bữa ăn gia đình, ăn buffet... phù hợp với độ tuổi, giúp trẻ trải nghiệm các kỹ năng, thói quen tự phục vụ.

Những nhiệm vụ cần triển khai

Trẻ được tham gia nhiều hoạt động, trò chơi do cô giáo tổ chức ngay trên lớp.
Trẻ được tham gia nhiều hoạt động, trò chơi do cô giáo tổ chức ngay trên lớp.

Ngoài ra, sự phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ và cộng đồng trong nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; công tác bồi dưỡng, hỗ trợ, nâng cao năng lực CBQL, giáo viên mầm non cũng là các yếu tố vô cùng quan trọng.

Kết quả Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp học mầm non năm học 2022-2023 cấp Thành phố là minh chứng thực hiện tốt chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” và 2 năm thực hiện chủ đề “Xây dựng trường mầm non xanh - an toàn - hạnh phúc”.

Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hoài Đức Vương Văn Lâm nêu một số nhiệm vụ cần triển khai trong thời gian tới.
Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hoài Đức Vương Văn Lâm nêu một số nhiệm vụ cần triển khai trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, ông Vương Văn Lâm - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hoài Đức đề nghị các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tiếp tục thực hiện tốt Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2021-2025.

Tăng cường công tác bồi dưỡng đội ngũ thông qua nhiều hình thức dự giờ thăm lớp, tổ chức chuyên đề kiến tập tại trường, đặc biệt là đổi mới hình thức sinh hoạt chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cho mỗi cơ sở giáo dục. Xây dựng Chương trình giáo dục nhà trường, tăng cường ứng dụng phương pháp giáo dục hiện đại, đáp ứng Chương trình đổi mới giáo dục hiện nay.

Phát huy thế mạnh mỗi nhà trường là một mô hình không gian sáng tạo. Tận dụng tối đa các khu vực trong trường để xây dựng khu vui chơi trải nghiệm, góc dân gian cho trẻ hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi đơn vị, tạo cơ hội cho trẻ được tham gia trải nghiệm, khám phá, tiếp xúc với thiên nhiên.

Để đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ, các trường mầm non đã từng bước tự chủ về chuyên môn, ứng dụng phương pháp giáo dục tiên tiến tổ chức các hoạt động theo quan điểm “học bằng chơi, chơi mà học”. Tăng cường tổ chức cho trẻ hoạt động trải nghiệm, giao lưu thể thao, trò chơi phát triển vận động để tăng cường sức khỏe thể chất.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm