Ngoài việc thiếu giáo viên, các cơ sở giáo dục còn thiếu các chức danh khác như: nhân viên văn thư, kế toán, thư viện, y tế… Về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong giáo dục cũng còn nhiều khó khăn do thiếu cơ sở vật chất, thiết bị.
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển giáo dục của địa phương, tỉnh Bạc Liêu kiến nghị đến Bộ GD&ĐT xem xét, giải quyết một số nội dung như về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia; về thi học sinh giỏi quốc gia THPT. Bộ GD&ĐT có văn bản hướng dẫn cụ thể về tổ chức thực hiện, kinh phí, cơ sở pháp lý của việc tổ chức học bù kiến thức khi học sinh thay đổi môn lựa chọn hoặc chuyển trường.
Về đội ngũ nhà giáo, nhân viên, Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ xem xét tăng chỉ tiêu biên chế cho ngành GD&ĐT Bạc Liêu theo định mức được quy định tại Thông tư số 16/2017 của Bộ GD&ĐT; không thực hiện tinh giản biên chế cơ học đối với các đơn vị sự nghiệp giáo dục, nhằm đảm bảo số lượng giáo viên, thuận lợi trong công tác triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Tham mưu Chính phủ ban hành văn bản chỉ đạo việc tuyển dụng viên chức ở vị trí nhân viên tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập; Có quy định, hướng dẫn cụ thể về việc tuyển dụng giáo viên dạy các môn học/hoạt động giáo dục, nhất là đối với các môn học mới (Tiếng Anh, Tin học cấp Tiểu học; Mỹ thuật, Âm nhạc... cấp trung học) theo Chương trình GDPT 2018; Tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét điều chỉnh, sửa đổi quy định tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non để phù hợp với đặc thù công việc...
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu kết luận buổi làm việc. |
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ghi nhận những nỗ lực của tỉnh Bạc Liêu để đạt được kết quả khả quan về GD&ĐT, thể hiện qua kết quả thi tốt nghiệp THPT; kết quả giáo dục mũi nhọn... Tỉnh đã nỗ lực sắp xếp, bố trí quy hoạch mạng lưới trường lớp. Dù còn khó khăn nhưng tỉnh đã ưu tiên nguồn lực, đặc biệt là triển khai Chương trình mới. Tỉnh cũng đã quan tâm, chăm lo tập huấn bồi dưỡng giáo viên đảm bảo tiến độ Chương trình mới…
Bộ trưởng nhấn mạnh, tỉnh có lợi thế về dạy người, nền nếp dạy học, học sinh ngoan, đây là điều rất quan trọng trong thực hiện Chương trình mới với mục tiêu rèn luyện, phát triển con người về nhân cách, đạo đức, lối sống, ứng xử, hành vi, thái độ…
Năm 2023 công tác đổi mới GDPT đi được hơn nửa chặng đường, Bộ trưởng lưu ý rất cần tập trung chỉ đạo, ưu tiên đầu tư hỗ trợ và cần kịp thời. Công cuộc đổi mới GDPT lần này sâu sắc, toàn diện, do đó vai trò của địa phương rất quan trọng, rất cần sự thấu hiểu của lãnh đạo địa phương, tạo điều kiện thuận lợi.
Bộ trưởng lưu ý năm 2023 có nhiều việc quan tâm như tổng kết 10 năm triển khai Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Tiếp tục chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới về cơ sở vật chất và đội ngũ...
Ngành Giáo dục địa phương cần quan tâm hơn việc thực hiện đầy đủ quyền tự chủ trong hoạt động chuyên môn của giáo viên và các cơ sở giáo dục. Chuẩn bị điều kiện trải nghiệm, thực tế và hoạt động bổ trợ khác. Quan tâm việc tổ chức dạy tích hợp; tạo sự đồng thuận của phụ huynh để phụ huynh cùng chia sẻ và đồng hành cùng nhà trường… - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn