Giới thiệu khái quát về môi trường đầu tư tại Bắc Ninh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn cho biết, Bắc Ninh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, với nhiều trục giao thông lớn chạy qua.
Các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội đứng ở tốp đầu cả nước; dân số là 1,4 triệu người, lao động hơn 774.000 người, trong đó có 75% lao động qua đào tạo.
Bắc Ninh hiện có 16 khu công nghiệp, 1.600 dự án FDI còn hiệu lực, tổng số vốn đầu tư 20,5 tỷ USD. Trong đó, có 3 dự án của các nhà đầu tư Ấn Độ với số vốn 28,2 triệu USD.
Ông Vương Quốc Tuấn nhấn mạnh, với nhiều giải pháp cải cách hành chính hỗ trợ doanh nghiệp như: mô hình Bác sĩ doanh nghiệp; Tổ phản ứng nhanh 3 nhất; duy trì đối thoại chính quyền và doanh nghiệp… Bắc Ninh luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.
Cùng với các chính sách của Trung ương, tỉnh bổ sung một số ưu đãi về tiền sử dụng đất, hỗ trợ pháp lý, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ đào tạo và sử dụng lao động. Hơn nữa, Bắc Ninh cũng thu hút được các trường Đại học Y, Đại học Dược Hà Nội và một số Bệnh viện Trung ương đóng trên địa bàn, có khả năng cung ứng nhân lực chất lượng cao cho các nhà đầu tư.
Đối với dự án Công viên dược phẩm của các nhà đầu tư Ấn Độ, Bắc Ninh đề xuất vị trí cụ thể nằm ở huyện Lương Tài, diện tích quy hoạch từ 200-500ha với ưu điểm hạ tầng giao thông đồng bộ, chưa bị ô nhiễm môi trường.
Bày tỏ mong muốn được chào đón các nhà đầu tư Ấn Độ xây dựng Công viên dược phẩm để đa dạng các lĩnh vực đầu tư trên địa bàn tỉnh, ông Vương Quốc Tuấn cho biết thêm, nếu được nhà đầu tư quan tâm, lựa chọn, tỉnh sẽ điều chỉnh quy hoạch phù hợp, đáp ứng nhu cầu cụ thể của dự án.