Bác sĩ làm thơ khen và khuyên các mẹ dùng TPCN thuộc nhãn hàng Fitobimbi
Tuyên truyền bằng lời nói chưa đủ, vị bác sĩ tên Đoàn Hải Đăng, đang công tác tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội còn làm thơ khen công dụng, mùi vị, chất lượng… TPCN của nhãn hàng Fitobimbi, với những lời lẽ quảng cáo nhóm TPCN này như thần dược (?), điều này khiến cho dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng những cá nhân này đang miệt mài "lôi kéo" các bà mẹ cho trẻ em sơ sinh sử dụng TPCN, cố tình làm trái chủ trương nuôi con bằng sữa mẹ của ngành y tế ?
Được biết, việc truyền thông, quảng cáo so sánh về chất lượng sản phẩm và chê sản phẩm khác cùng chủng loại là hành vi bị cấm tại điều 8 Luật quảng cáo 2012, sửa đổi bổ sung 2018. Những video truyền thông quảng cáo sản phẩm thuộc nhãn hàng Fitobimbi sai sự thật, vi phạm pháp luật, tồn tại lâu ngày, và có tốc độ lan tỏa rộng trong dư luận xã hội là những điều các cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm minh.
Sự xuất hiện của nhiều người danh xưng bác sĩ, tiến sĩ y khoa, chuyên gia dinh dưỡng công tác tại các bệnh viện uy tín, tham gia truyền thông “bẩn” để quảng cáo các sản phẩm TPCN thuộc nhãn hàng Fitobimbi, dẫn dụ công chúng mua và sử dụng TPCN, sẽ là hệ lụy rất lớn và có thể vi phạm pháp luật, nếu được xác định.
Thiết nghĩ, cơ quan quản lý lĩnh vực Y tế cần tiến hành kiểm tra thực hư thông tin về danh xưng của những bác sĩ, dược sĩ, chuyên gia y tế đang hàng ngày hàng giờ quảng cáo, lôi kéo mọi người sử dụng TPCN trái với quy định của ngành Y.
Việc kiểm tra cần tiến hành liên quan tới đạo đức nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, truyền thông thiếu khách quan gây hoài nghi việc nuôi con bằng sữa mẹ... cũng như chứng chỉ hành nghề y/dược của những cá nhân này có được quy định thêm chức năng truyền thông một cách tùy tiện cho nhãn hàng, đồng thời cần tiến hành xử lý nghiêm để răn đe, nếu có vi phạm.
Lạm dụng hình ảnh nhiều người mặc áo Blue trắng với danh xưng bác sĩ, nhân viên y tế… tham gia truyền thông, quảng cáo tiếp thị dù là trực tiếp, hay gián tiếp, khen đối với những sản phẩm TPCN của nhãn hàng Fitobimbi, vô hình chung đã gây ra sự hiểu nhầm của công chúng về chất lượng sản phẩm đối với các nhãn hàng khác là không tốt, không bằng? Nguy hại hơn, là ảnh hưởng trực tiếp tới chủ trương nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ của bộ Y tế Việt Nam và WHO.
PGS. TS Nguyễn Thanh Phong từng nêu rõ: “Luật An toàn thực phẩm quy định, các đơn vị sản xuất kinh doanh chỉ được quảng cáo TPCN những nội dung đã được đăng ký, thẩm định và cơ quan chuyên môn cho phép. Thực tế, nhiều đơn vị còn lợi dụng hình ảnh các y bác sĩ, người nổi tiếng, diễn viên để quảng cáo TPCN là vi phạm pháp luật cần được xử lý”.
Theo số liệu thống kê, tỷ lệ người tiêu dùng trong nước biết và sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe lên đến trên 60%, và dễ dàng mua những loại thực phẩm này ở nhiều nơi, từ cửa hàng, siêu thị, các nhà thuốc, các shop online, các website hoặc mạng xã hội… Sự quan tâm của người tiêu dùng càng tăng, càng phát sinh nhiều vi phạm liên quan đến chất lượng sản phẩm này, khiến khó có một thị trường phát triển lành mạnh và bền vững.