Trong khi đó, theo TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo - Đại học quốc gia TP.HCM, bài thi ĐGNL của nhà trường đánh giá năng lực học đại học cơ bản của thí sinh THPT bao gồm năng lực sử dụng ngôn ngữ (tiếng Việt, tiếng Anh), năng lực xử lý số liệu, tư duy logic và năng lực giải quyết vấn đề (KHXH, KHTN).
“Đề thi sẽ cung cấp rất nhiều số liệu và dữ kiện để thí sinh thể hiện năng lực của mình, thay vì yêu cầu thí sinh phải nhớ nhiều, thuộc nhiều. Thí sinh nào có khả năng thu thập, tổng hợp, xử lý, phân tích thông tin sẽ có khả năng hoàn thành bài thi tốt”, ông Chính nói và cho rằng thí sinh muốn vượt qua kỳ thi cần có năng lực thật, được rèn giũa trong suốt 3 năm học THPT.
Thầy Chính cho hay kỳ thi ĐGNL yêu cầu thí sinh phải có năng lực được hình thành và rèn luyện lâu dài. Ảnh: Đại học Quốc gia TP.HCM. |
Để thí sinh nắm rõ cấu trúc, nội dung bài thi, Đại học Quốc gia TP.HCM đưa ra rất nhiều thông tin cũng như đề thi mẫu. Thí sinh chỉ cần tham khảo cấu trúc bài thi, học đều tất cả các môn, đọc nhiều, hiểu nhiều, tổng hợp, tư duy, giải quyết vấn đề, xử lý vấn đề tốt sẽ đạt điểm cao trong kỳ thi.
Đồng quan điểm, đưa ra lưu ý với thí sinh, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo nhấn mạnh trước khi ôn tập, thí sinh cần xác định sẽ sử dụng kết quả bài thi ĐGNL để xét tuyển vào trường đại học nào, từ đó lên kế hoạch ôn tập nghiêm túc, nắm chắc chương trình cơ bản, chương trình THPT.
“Ngữ cảnh sử dụng trong đề thi rộng, không chỉ có trong sách giáo khoa, không có giới hạn, việc các em ôn mẹo, học tủ không giải quyết được bài thi đánh giá năng lực. Vì vậy, quá trình ôn tập buộc các em phải nắm chắc kiến thức để ứng dụng giải quyết vấn đề”, ông Thảo lưu ý.
Ngoài ra, thí sinh nên làm bài thi tham khảo để làm quen với cách đặt câu hỏi, cách vận dụng từ mức độ hiểu biết cho đến vận dụng cao và tư duy.
“Trước khi lên kế hoạch ôn tập, thí sinh nên làm bài thi tham khảo để đánh giá năng lực, tìm ra phần chưa ổn để ôn luyện bổ khuyết thay vì ôn luyện tràn lan. Trước ngày thi, các em cũng nên làm bài thi tham khảo một lần nữa để nắm được cách sắp xếp câu hỏi, sắp xếp thời gian làm bài, vững tâm lý khi làm bài thi”, ông Thảo nói.
Trong quá trình làm bài thi, ông Thảo nhắc nhở thí sinh cần kiểm soát thời gian bằng cách phân bổ thời lượng đọc câu hỏi, hình dung xem đó là câu hỏi dễ hay khó, câu hỏi vận dụng hay tư duy, có thể bỏ qua câu khó để làm câu tiếp theo, quay lại làm khi còn đủ thời gian. Ở những câu hỏi dễ, thí sinh cố gắng tiết kiệm thời gian nhanh nhất, ngắn nhất để xử lý.
Thầy Thảo khuyên thí sinh cần phân bố thời gian hợp lý trong quá trình làm bài. Ảnh: Đại học Quốc gia Hà Nội. |
Một số đề bài có phần đặt câu hỏi tương tự nhau, thí sinh có thể đọc lướt qua để tập trung vào những phần số liệu, từ khóa trong đề.
Ngoài ra, với những câu hỏi phần định lượng hoặc phần khoa học, thí sinh buộc phải tìm ra đáp án chính xác thì mới được điểm. Phần tư duy định tính sẽ có nhiều câu hỏi đánh lạc hướng, gây phân vân cho thí sinh. Trong trường hợp này, thí sinh cần tự tin, lựa chọn đáp án phù hợp nhất sau khi loại bỏ các đáp án bị nhiễu hoặc trái chiều.
Lưu ý, điểm bài thi được tính dựa trên tổng số câu trả lời đúng, các câu trả lời sai không bị trừ điểm. Vì vậy, thí sinh cần cố gắng trả lời đủ tất cả các câu hỏi trong khoảng thời gian cho phép của từng phần.
“Sau khi hoàn thành, nếu còn thời gian, thí sinh nên kiểm tra lại các câu trả lời trước khi chuyển sang phần khác bởi sau khi hết thời gian làm bài của phần thi, thí sinh sẽ không thể quay lại phần thi trước để thay đổi câu trả lời”, ông Thảo nhắc nhở.