Thực tế cho thấy, dù ở cấp học nào, Ban đại diện cha mẹ học sinh vẫn có vai trò quan trọng.
Cô Bùi Thị Vân - Hiệu trưởng Trường Mầm non An Khánh B (Hoài Đức, Hà Nội) - chia sẻ, trẻ ở lứa tuổi mầm non chưa thể tự chăm sóc bản thân nên vai trò phối hợp giữa nhà trường với phụ huynh vô cùng cần thiết. Mọi hoạt động khi tổ chức cho trẻ cần sự chung tay của cha mẹ. Đặc biệt, với các hoạt động trải nghiệm trong hay ngoài nhà trường, nếu không có sự đồng hành từ phụ huynh, giáo viên không thể tổ chức thành công.
Dưới góc nhìn chuyên gia, TS Vũ Thu Hương – nguyên giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội không phủ nhận vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Tuy nhiên, hoạt động của Ban phải thực chất và đặt quyền lợi học sinh lên hàng đầu. Ban cần hoạt động theo đúng hướng dẫn Thông tư 55/2011 của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, những năm gần đây, hoạt động của Ban ở một số nơi còn lỏng lẻo, chưa phát huy hiệu quả; thậm chí là “cánh tay nối dài” cho hiệu trưởng trong việc thu chi sai quy định khiến người dân bức xúc.
Theo TS Vũ Thu Hương, Ban đại diện cha mẹ học sinh có thể kết nối để trẻ được tăng cường trải nghiệm, thực hành tại cơ sở sản xuất, nhà máy, công xưởng, nhà hát, hay trường đại học để tham quan, học hỏi. Tuy nhiên, kinh phí là vấn đề cần tách bạch. Ban cần được giám sát bởi nhà trường cũng như các bậc phụ huynh trong mỗi lớp để hoạt động đúng nguyên tắc, không lạm quyền.
“Bản thân nhiều lần đến các trường dạy ngoại khóa cho học sinh. Kinh phí do nhà trường chi trả, tuyệt đối không có sự can thiệp của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Ban chỉ kết nối để tôi và nhà trường hợp tác thực hiện các hợp đồng giảng dạy. Nếu các Ban đại diện cha mẹ học sinh giữ được mức độ quan hệ và hành động phù hợp nhu cầu học sinh sẽ không có ý kiến trái chiều”, TS Vũ Thu Hương lý giải.
Để phát huy sức mạnh của Ban đại diện cha mẹ học sinh, thầy Nguyễn Hải Sơn – Hiệu trưởng Trường THCS Hải Xuân (Hải Hậu, Nam Định) - cho rằng, nhà trường cần phối hợp với Ban theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh, tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Hiệu trưởng trực tiếp xây dựng nội dung cuộc họp cha mẹ học sinh đầu năm học.
Thầy Sơn kiến nghị, hiệu trưởng nên họp trực tiếp với Ban đại diện cha mẹ học sinh trường, lớp để thông tin nội dung trọng tâm, kế hoạch năm học của ngành và nhà trường. Điều này sẽ tạo sự kết nối và đồng thuận từ phía cha mẹ học sinh đối với chương trình giáo dục. Giáo viên chủ nhiệm cũng cần nghiên cứu kỹ nội dung cuộc họp được nhà trường triển khai và trao đổi thống nhất với Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp.
Theo quy định tại Thông tư 55/2011 của Bộ GD&ĐT, Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban gồm: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, an ninh nhà trường; trông coi phương tiện của học sinh; vệ sinh trường lớp; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới công trình của nhà trường.