Chia sẻ tại hội thảo, đại diện Sở GD&ĐT Quảng Ninh cho biết, các nhà trường đã chủ động triển khai các hoạt động giáo dục STEM trong đơn vị, hướng dẫn chỉ đạo giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, hướng học sinh gắn lý thuyết với thực hành. Có tác động tích cực, làm chuyển biến công tác dạy và học tại các nhà trường, học sinh được thực hành, trải nghiệm, học tập gắn với cuộc sống thực tế.
Tuy nhiên, chương trình giáo dục đang từng bước chuyển từ yêu cầu dạy học “để biết” sang dạy học “để làm” nên kỹ năng và tư duy sản phẩm STEM, gắn với kiến thức khoa học của giáo viên và học sinh còn lúng túng và hạn chế.
Đại diện Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện đã có nhiều nước có nền giáo dục phát triển thực hiện giáo dục STEM nên cơ sở lý luận về STEM, công cụ hỗ trợ giảng dạy STEM khá đầy đủ, phong phú. Các văn bản tạo được hành lang pháp lý thúc đẩy giáo dục STEM.
Riêng tại TP Hồ Chí Minh, toàn thành phố đang đẩy mạnh xây dựng thành phố thông minh, chính quyền điện tử, trong đó có xây dựng trường học thông minh, ứng dụng công nghệ trong dạy học và quản lý giáo dục. Cha mẹ học sinh rất thích con mình được học với STEM nhằm phát triển kỹ năng thao tác với máy móc, công nghệ, phát triển tư duy sáng tạo.
Đặc biệt, học sinh rất yêu thích việc chế tạo sản phẩm, chế tạo đồ chơi đơn giản mà học sinh vẫn được nhìn thấy trong các đoạn video clip hướng dẫn trên mạng Internet. Một điểm thuận lợi khác chính là kinh phí trang bị các bộ công cụ, máy móc, thiết bị ngày càng rẻ. Hoạt động dạy học theo định hướng giáo dục STEM gắn kết với chương trình GDPT 2018 góp phần phát triển phẩm chất năng lực học sinh, định hướng giáo dục nghề nghiệp…
Đại diện ngành Giáo dục TP Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo. |
Điểm yếu hiện nay là không phải trường nào cũng tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục STEM dù rằng đã có những văn bản vận động thực hiện từ cấp trên. Điều này cho thấy hoạt động giáo dục STEM, cũng như bất kỳ hoạt động nào khác trong khu vực trường học, thành hay bại, mạnh hay yếu, tất cả đều bắt nguồn từ nhận thức của người đứng đầu nhà trường.
Do đó, cần nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục về giáo dục STEM. Hành lang pháp lý cho hoạt động giáo dục STEM chưa rõ và quyết liệt hơn. Cho đến nay, dù ngày càng có nhiều sách viết về giáo dục STEM, các bài dạy theo định hướng STEM nhưng vẫn thiếu một chương trình tổng thể, một khung kiến thức, kỹ năng, thái độ chung cho từng bậc học, từng khối lớp.
“Quỹ thời gian dành cho hoạt động giáo dục STEM hiện không tồn tại trong nhà trường, nói cách khác, các hoạt động chế tạo sản phẩm STEM không được chèn vào các tiết học chính khóa. Đa số các hoạt động này được tổ chức ngoài giờ, theo hình thức câu lạc bộ nên khó thực hiện đại trà và lâu dài. Thiếu kinh phí trả cho giáo viên thực hiện dạy học theo định hướng giáo dục STEM”, đại diện Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh nói.
Tại hội thảo, đại diện các Vụ, Cục thuộc Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT, giáo viên, cùng các em học sinh đã tham gia thảo luận, trao đổi, nêu các ý kiến, kiến nghị cũng như các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến lồng ghép trải nghiệm STEM trong tổ chức hoạt động giáo dục, kế hoạch dạy học của nhà trường; tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên trực tiếp giảng dạy STEM; xây dựng phương thức, tiêu chí đánh giá, kiểm tra định kỳ hiệu quả; cơ chế tài chính, chính sách giáo viên triển khai giáo dục STEM.